MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tiến sĩ Trần Việt Thái. Ảnh: P.V

Tiêu diệt chế độ diệt chủng Pol Pot: Đúng về pháp lý và hợp đạo lý

VÂN ANH (thực hiện) LDO | 07/01/2019 09:39

Tiến sĩ Trần Việt Thái, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Học viện Ngoại giao, nhận định rằng, việc Việt Nam giúp nhân dân Campuchia lật đổ chế độ diệt chủng và giải quyết vấn đề chiến tranh biên giới Tây Nam là bắt buộc và có tính tất yếu, đúng về pháp lý và hợp về đạo lý.

Tiến sĩ Trần Việt Thái cho biết, cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và cùng quân dân Campuchia chống chế độ diệt chủng Pol Pot diễn ra vào thời điểm cuối chiến tranh Lạnh.

Cuộc chiến cũng diễn ra trong bối cảnh Việt Nam giải phóng đất nước không lâu và Việt Nam bị bắt buộc phải tiến hành cuộc chiến tranh này. Bè lũ Pol Pot đã tiến hành hàng loạt cuộc khiêu khích xung đột từ ngày 4.5.1975 đến 1978. Ngày 23.12.1978, Pol Pot tập trung 23 sư đoàn đánh sang Việt Nam, tấn công trên toàn biên giới Tây Nam. Bản chất của Pol Pot là phản động, kích động và gây ra những vụ thảm sát với quy mô ngày càng tăng.

Vậy ông đánh giá thế nào về ý nghĩa của cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và chiến tranh chống chế độ diệt chủng Pol Pot đối với Việt Nam?

- Trước hết, việc Việt Nam đưa quân vào giúp nhân dân Campuchia lật đổ chế độ diệt chủng và giải quyết vấn đề chiến tranh biên giới Tây Nam là bắt buộc và có tính tất yếu. Từ năm 1978 trở đi bản chất phản động của Pol Pot bộc lộ rõ hơn. Lật đổ Pol Pot và cứu nhân dân Campuchia khỏi diệt chủng cho thấy bản chất chính nghĩa tốt đẹp của cuộc chiến này.

Thứ hai, trước khi sử dụng các biện pháp vũ lực, Việt Nam đã có nhiều biện pháp ngoại giao để tránh chiến tranh. Trong suốt hơn 2 năm từ tháng 4.1976 đến ngày 23.12.1978, Việt Nam nhiều lần đề nghị giải quyết các vấn đề biên giới thông qua ngoại giao hoà bình, nhưng bị Pol Pot bác bỏ, chúng tiếp tục gây ra nhiều tội ác man rợ. Điều này Quốc vương Campuchia Norodom Sihanouk đã viết trong hồi ký.

Như vậy, có thể khẳng định, cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam là cuộc chiến vệ quốc chính nghĩa, mang yếu tố quốc tế vô sản, đáp ứng lời kêu gọi của Mặt trận Đoàn kết Dân tộc cứu nước Campuchia, có tính hợp pháp vì lật đổ chế độ diệt chủng mà bằng chứng là sau này Liên Hợp Quốc đã lập toà án xét xử. Cuộc chiến này không chỉ đúng đắn về mặt pháp lý mà còn hợp đạo lý, đó là đạo lý nhân đạo. Sau này các nước trên thế giới mới nói đến cứu trợ nhân đạo, nhưng họ quên rằng, Việt Nam đã làm cứu trợ nhân đạo Campuchia trong lúc khó khăn nhất.

Chiến thắng của cuộc chiến tranh chống chế độ diệt chủng Pol Pot có ý nghĩa như thế nào với Campuchia nói riêng và khu vực nói chung, thưa ông?

- Việc Mặt trận Đoàn kết Dân tộc cứu nước Campuchia kêu gọi Việt Nam giúp và Việt Nam đáp ứng lời kêu gọi đó, giải phóng Phnom Penh trong vòng chưa đầy 2 tuần vào ngày 7.1.1979, có ý nghĩa to lớn. Với Campuchia, đó là sự hồi sinh của dân tộc, từ chỗ đứng trước thảm hoạ diệt chủng trở thành một đất nước phồn thịnh như ngày hôm nay.

Đối với quan hệ Việt Nam - Campuchia và đối với đất nước Campuchia, chiến thắng này giúp xoá đi thách thức to lớn ở biên giới Tây Nam, ổn định môi trường xung quanh đất nước.

Đối với khu vực, thắng lợi của cuộc chiến không chỉ giúp xoá chế độ phản động, mà còn cho thấy đóng góp của Việt Nam trong bối cảnh khó khăn như vậy vẫn giúp nhân dân Campuchia hồi sinh. Đối với thế giới, cuộc chiến phù hợp với các công ước chống diệt chủng của Liên Hợp Quốc, góp phần vào hoà bình ổn định, tiến bộ và công bằng xã hội.

Ông đánh giá thế nào về sự đoàn kết thuỷ chung nghĩa tình và sự gắn kết hợp tác của Việt Nam và Campuchia kể từ đó đến nay?

- Sau khi giải phóng Phnom Penh, đặc biệt trong giai đoạn 1979 - 1991, sự giúp đỡ của Việt Nam với Campuchia là vô cùng lớn. Việt Nam đã huy động đội ngũ chuyên gia khổng lồ trong lịch sử để giúp hồi sinh Campuchia từ số 0, đồng thời chúng ta đã đấu tranh trước các thế lực phản động, bóp méo quan hệ và thành quả. Tình đoàn kết và quan hệ Việt Nam - Campuchia được xây dựng từ máu trong khó khăn gian khó nên không lực lượng nào có thể chia rẽ.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn