MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân giải quyết thủ tục hành chính tại công sở ở Hà Nội. Ảnh: Hải Nguyễn

Tinh giản biên chế hơn 84.000 người trong 8 năm qua

Vương Trần LDO | 06/02/2024 14:42

Theo Bộ Nội vụ, tổng số đối tượng tinh giản biên chế từ năm 2015 đến ngày 15.12.2023 là 84.140 người.

Tinh giản biên chế là một trong những nội dung nhận được nhiều sự quan tâm của nhiều cán bộ, công chức, viên chức trong thời gian qua. Để triển khai hiệu quả mục tiêu tinh giản biên chế, nhiều chế độ, chính sách dành cho các nhóm đối tượng thuộc diện tinh giản biên chế đã được thiết kế.

Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 29/2023/NĐ-CP ngày 3.6.2023 quy định về tinh giản biên chế. Nghị định này quy định về đối tượng, nguyên tắc, chính sách tinh giản biên chế và trách nhiệm thực hiện tinh giản biên chế trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội từ Trung ương đến cấp xã.

Nhiều chính sách liên quan tới tinh giản biên chế như: Chính sách nghỉ hưu trước tuổi; Chính sách chuyển sang làm việc tại các tổ chức không hưởng lương thường xuyên từ ngân sách nhà nước; Chính sách thôi việc; Chính sách nghỉ hưu trước tuổi đối với cán bộ, công chức cấp xã dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã có tuổi thấp hơn tối đa đủ 10 tuổi và thấp hơn tối thiểu trên 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội; Chính sách đối với đối tượng tinh giản biên chế dôi dư do sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã nghỉ từ khi có quyết định sắp xếp của cấp có thẩm quyền đến trước thời điểm kết thúc lộ trình sắp xếp...

Ngày 6.2.2024, theo tìm hiểu của PV Lao Động, thông tin Bộ Nội vụ cho biết, tổng số đối tượng tinh giản biên chế từ năm 2015 đến ngày 15.12.2023 là 84.140 người. Trong đó: Trung ương là 5.740 người, địa phương là 78.400 người.

Tính từ ngày 1.1.2023 đến ngày 15.12.2023, tổng số đối tượng tinh giản biên chế là 7.151 người (trong đó: Trung ương 146 người; địa phương 7.005 người).

Bộ Nội vụ cũng thông tin, thực hiện sắp xếp, thu gọn đầu mối tổ chức, tinh giản biên chế, đẩy mạnh tự chủ về tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập: dự kiến kết quả sắp xếp, tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành đến hết năm 2024 còn 895 đơn vị sự nghiệp công lập, giảm 140 đơn vị so với năm 2021 (tương ứng giảm 13,53%); tự chủ các đơn vị sự nghiệp công lập đạt khoảng 63% (tăng 24% so với năm 2021).

Các địa phương đã tập trung triển khai việc rà soát, sắp xếp tổ chức hành chính bên trong, theo đó giảm 13 sở và tổ chức hành chính khác thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; giảm 2.572 tổ chức phòng và tương đương thuộc cơ quan chuyên môn Ủy ban nhân dân tỉnh, huyện trong cả nước.

Việc rà soát, sắp xếp lại đơn vị sự nghiệp công lập tiếp tục được triển khai và đạt được kết quả rõ nét, tính đến hết năm 2023 đã giảm 7.867 đơn vị sự nghiệp công lập, còn 46.385 đơn vị sự nghiệp công lập; riêng năm 2023 giảm 236 đơn vị (năm 2022 có 46.621 đơn vị).

Trong đó, đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư là 345 đơn vị (tỷ lệ 0,74%), đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên là 2.538 đơn vị (tỷ lệ 5,47%), đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên là 8.559 đơn vị (tỷ lệ 18,45%), đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên là 34.943 đơn vị (tỷ lệ 75,34%).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn