MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Việc đổi mới sắp xếp bộ máy sẽ được Bộ Công an thực hiện thận trọng, kỹ lưỡng, khách quan, khoa học. Ảnh minh họa

Tinh giản biên chế ở Bộ Công an: Phải gọi là một cuộc cách mạng

CAO NGUYÊN LDO | 21/07/2018 08:00
Sắp xếp lại tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế trong hệ thống chính trị luôn là vấn đề “nóng”, mang tính thời sự. Đặc biệt, đối với Bộ Công an, việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là một trong những khó khăn và thử thách nhất định.

Với tư cách là một sĩ quan có hơn 40 năm công tác trong lực lượng công an, Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Bộ Công an - đánh giá rất cao quyết tâm thực hiện tinh giản, sắp xếp bộ máy của ngành và cho đây là một cuộc cách mạng.

Không có lực cản nhưng có khó khăn

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã chia sẻ trên Cổng thông tin điện tử Bộ Công an về lộ trình, định hướng triển khai rằng, tổ chức bộ máy của công an nhân dân từ khi thành lập đến nay là quá trình phát triển có tính lịch sử, đều xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự trong từng giai đoạn cách mạng. Sau mỗi lần cải cách, bộ máy được kiện toàn hoàn thiện hơn, đáp ứng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của ngành công an và sự phát triển của đất nước.

Mục tiêu kiện toàn tổ chức bộ máy Bộ Công an gắn với hoàn thiện cơ chế, đổi mới phương thức lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với công an nhân dân, bảo đảm thống nhất, xuyên suốt từ trung ương đến cơ sở; xây dựng, hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa Đảng ủy Công an Trung ương với các tỉnh ủy, thành ủy. Việc sắp xếp, đổi mới bộ máy cũng nhằm kiện toàn Đảng ủy Công an Trung ương có cơ cấu, số lượng hợp lý và thống nhất thực hiện chế độ thủ trưởng đơn vị đồng thời là bí thư cấp ủy để kịp thời lãnh đạo chỉ đạo các mặt công tác.

Thượng tướng Tô Lâm cho biết, tổ chức bộ máy Bộ Công an sẽ tập trung, thống nhất, chuyên sâu, tinh gọn đầu mối hoạt động hiệu quả, tăng cường cho cơ sở, theo hướng “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”.

Bộ không tổ chức cấp trung gian, nâng cao chất lượng các cục trực thuộc Bộ và sắp xếp, thu gọn các đơn vị sự nghiệp công lập, báo chí, y tế và sáp nhập 20 đơn vị cảnh sát phòng cháy, chữa cháy tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương với Công an tỉnh thành phố để bảo đảm gắn kết, phát huy tối đa nguồn lực trong thực thi nhiệm vụ.

Ngoài ra, là xây dựng công an xã, thị trấn chính quy, trước mắt bố trí công an xã chính quy tại các địa bàn trọng điểm phức tạp về an ninh, trật tự, tiến tới thực hiện thống nhất trong toàn quốc khi hoàn thiện các văn bản pháp luật có liên quan.

Về những tác động khi triển khai, Bộ trưởng Bộ Công an cho rằng việc đổi mới bộ máy phù hợp với các chủ trương, nghị quyết về đổi mới, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, đổi mới tổ chức bộ máy hệ thống chính trị, giảm tầng nấc trung gian trong điều hành nên không làm ảnh hưởng đến chức năng, nhiệm vụ của công an nhân dân.

Việc sắp xếp bộ máy cũng tạo điều kiện thuận lợi nhất để bố trí, điều chỉnh lại lực lượng, tăng cường cho lực lượng trực tiếp chiến đấu, hướng về cơ sở và bố trí công an xã chính quy. Với cách tổ chức mới, lực lượng công an sẽ gần dân hơn, bám sát cơ sở hơn, nắm tình hình và giải quyết hiệu quả các vấn đề an ninh trật tự, khắc phục được chồng chéo, chia cắt, đồng thời tăng cường cải cách hành chính, tạo điều kiện tốt hơn để tập trung đầu tư, hiện đại hóa trang bị, phương tiện chiến đấu.

Khẳng định không có lực cản nào khi triển khai việc tinh giản bộ máy, tuy nhiên Thượng tướng Tô Lâm cho rằng, sẽ có những khó khăn nhất định như phát sinh bất cập về hệ thống cơ sở pháp lý, khó khăn trong bố trí, sắp xếp đội ngũ lãnh đạo chỉ huy hay việc thực hiện chế độ chính sách, ổn định tư tưởng, tâm tư tình cảm cho cán bộ, chiến sĩ...

Đây là một cuộc cách mạng

Về vấn đề đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu quả, trao đổi với Lao Động, Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an) - cho biết, việc Bộ Công an tinh giản các tầng, nấc trung gian đã được tính toán thực hiện từ vài năm trước. Để bỏ hẳn cấp tổng cục và giải thể, sáp nhập nhiều cục, vụ là một đột phá lớn.

“Tôi có 40 năm làm trong ngành công an, qua 6 đời bộ trưởng thì đây là cuộc cách mạng của tổ chức, cho thấy quyết tâm chính trị cao trong Đảng ủy Công an Trung ương và đặc biệt là đồng chí Bộ trưởng. Người đứng đầu Bộ có tâm trong sáng, vững vàng sẽ làm được việc này” - tướng Cương chia sẻ.

Theo tướng Cương, trước đây, từ không tổng cục thành 4, rồi mở rộng lên 8 tổng cục, từ 1 cục tách thành 2-3 cục. Nhưng tới đây lợi ích như thế không còn nữa, từ 126 cục chỉ còn khoảng 60. Bộ máy tinh giản thì hiệu quả sẽ tốt hơn. Nguyên tắc phải làm bộ máy gọn, hiệu quả, gần dân. Khi triển khai sẽ có cuộc điều chuyển cán bộ từ Bộ về địa phương, từ địa phương về cơ sở để hiệu quả hơn. Ở Bộ có số người đưa về công an các tỉnh, thành phố. Công an các tỉnh, thành phố đưa về quận, huyện. Công an quận, huyện đưa về các xã, phường...

Các tỉnh biên giới, vùng sâu vùng xa sẽ có hàng chục nghìn sĩ quan công an tăng cường cho hàng vạn phường, xã nên sẽ nắm tình hình rất vững chắc, làm cho nền an ninh nhân dân vững chắc từ phường, xã, biên giới, hải đảo, tướng Cương nói.

Tướng Lê Văn Cương cho rằng, việc thực hiện tinh giản bộ máy không chỉ là cách mạng về tổ chức, mà còn là cách mạng về phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo, phương pháp công tác trong ngành công an. Thay đổi một cái gì đó thành lề lối, thói quen, quán tính hình thành hơn nửa thế kỷ là không hề đơn giản.

Cũng theo tướng Cương, việc đưa các công an chính quy về địa phương các xã, phường là một việc làm rất tốt. Tuy nhiên, cần phải lựa chọn tăng cường chứ không nên chính quy hóa. Bởi lẽ, hiện nay phần lớn các xã phường đang làm tốt. Chỉ nên đưa chính quy về những nơi an ninh trật tự phức tạp, nhạy cảm…

Ngoài ra, tướng Cương cho rằng cần có chính sách tốt để đưa cán bộ về vùng sâu, vùng xa.

“Một đồng chí mang hàm thượng úy làm việc ở vùng sâu, vùng xa thì cần phải có chính sách lương, thưởng tốt hơn một đồng chí thượng úy làm việc ở đồng bằng” - tướng Lê Văn Cương nói thêm.

Tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương tổ chức đầu tháng 7, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, về sắp xếp bộ máy hành chính tinh gọn theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6, tính đến nay, các cơ quan hành chính tinh giản biên chế 4.294 người, đơn vị sự nghiệp công lập 24.717 người, công chức cấp xã 5.767 người.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng đã sắp xếp lại giảm 15 vụ thuộc Bộ, 189 phòng thuộc vụ, cục.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn