MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19. Ảnh Thiên Bình

Tình trạng dồn ứ về quê có thể đe doạ thành quả chống dịch

Vương Trần LDO | 16/08/2021 20:44

Các thành viên Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 bày tỏ lo ngại về tình trạng TP.HCM sau khi triển khai một số biện pháp mới đã dẫn đến tình trạng tụ tập đông người, thêm vào đó là tình trạng người dân dồn ứ để về quê. Đây là mối đe dọa phá hỏng thành quả chống dịch và nỗ lực của cả thành phố trong nhiều tuần qua.

Tổ chức chặt chẽ việc đưa đón công dân, đặc biệt ưu tiên phụ nữ mang thai

Chiều nay (16.8), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 đã chủ trì cuộc họp trực tuyến, đánh giá tình hình dịch bệnh tại một số địa phương.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nêu vấn đề, theo Công điện 1063 của Thủ tướng Chính phủ, “người dân ở đâu ở nguyên đó”. Tuy nhiên, thực tế, thời gian qua, người dân từ TP.HCM có nhu cầu về lại địa phương đã đăng ký và tập trung lại, sau đó, địa phương có xe vào đón và đưa về các khu cách ly tập trung của tỉnh.

Các địa phương này tổ chức đón người về chặt chẽ như vậy đã không xuất hiện ca mắc COVID-19 trong cộng đồng. Do vậy, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các tỉnh, thành đang áp dụng Chỉ thị 16 với các địa phương đón công dân về.

“Tuy nhiên, vẫn có trường hợp người dân tự đi về và số ca mắc trong cộng đồng đa số xuất phát từ những trường hợp này. Theo đó, đây là vấn đề cần đặc biệt lưu ý để có thể tách được F0 ra khỏi cộng đồng. Do vậy, cần những trạm kiểm soát để cách ly tạm thời và xét nghiệm những trường hợp này. Với những người cố tình vi phạm, sử dụng xe chở hàng hóa để chở người qua chốt kiểm soát phải tiếp tục xử phạt nghiêm”, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nói.

Các thành viên Ban Chỉ đạo đề xuất, thành lập, tổ chức các chốt kiểm soát người ra vào địa bàn tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16. Phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương để tổ chức tiếp nhận và đưa người dân trở về địa phương để quản lý, cách ly và theo dõi, giám sát y tế.

Trong đó, cân nhắc ưu tiên phụ nữ đang mang thai và nuôi con nhỏ dưới 1 tuổi để đưa về các địa phương hoặc khu vực có điều kiện chăm sóc y tế tốt hơn. Bởi thực tế, nhiều phụ nữ mang thai là F0 và phải thực hiện can thiệp mổ bắt con sớm để đảm bảo an toàn cho mẹ và thai nhi.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 chủ trì cuộc họp. Ảnh Thiên Bình

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 nhấn mạnh: “Các địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ phải thực hiện thật nghiêm túc và không để người dân tự ý ra khỏi địa bàn, nơi cư trú.

Trường hợp một số người dân đã sang các tỉnh khác thì Bộ Quốc phòng chỉ đạo thu dung vào các khu cách ly tập trung của quân đội. Các tỉnh đang giãn cách theo Chỉ thị 16 có thống nhất với các địa phương về việc đưa - đón công dân, thì phải tổ chức chặt chẽ, đặc biệt ưu tiên phụ nữ mang thai và đang nuôi con nhỏ”.

Tình trạng dồn ứ về quê có thể đe doạ thành quả chống dịch

Các thành viên Ban Chỉ đạo cũng đánh giá, do một số địa phương phải thực hiện giãn cách trong thời gian dài, nên đời sống của người dân, kể cả người trước đây chưa thuộc diện khó khăn, đã bắt đầu lâm vào những tình cảnh khó khăn.

Theo đó, Ban Chỉ đạo yêu cầu các tỉnh, thành phải triển khai thực chất các gói hỗ trợ theo quy định của Trung ương, cũng như sự chi viện cần thiết cho cộng đồng, nhằm đảm bảo không người dân nào bị thiếu đói, đảm bảo người dân nhận được sự hỗ trợ y tế khi có nhu cầu.

Ngoài ra, các chuyên gia bày tỏ lo ngại với tình trạng TP.HCM sau khi triển khai một số biện pháp mới đã dẫn đến tình trạng tụ tập đông người, thêm vào đó là tình trạng người dân dồn ứ để về quê. Đây là mối đe dọa phá hỏng thành quả chống dịch và nỗ lực của cả thành phố trong nhiều tuần qua. Những người trở về địa phương này nếu không quản lý y tế chặt sẽ trở thành nguồn lây làm bùng phát đợt dịch mới.

Song nhiều ý kiến cũng cho rằng, khi các tỉnh, thành kéo dài giãn cách nhưng không chuẩn bị và triển khai trước các gói an sinh để đảm bảo cho đời sống của người dân, đã dẫn đến tình trạng này.

Do vậy, các thành viên Ban Chỉ đạo đề nghị các tỉnh, thành, trong đó có TP.HCM ngoài việc chuẩn bị và triển khai các gói hỗ trợ phải thông tin đến người dân để họ biết và yên tâm, phối hợp cùng chính quyền thành phố chống dịch.

Nâng cao công tác xét nghiệm, tầm soát chủ động trong cộng đồng

Ban Chỉ đạo đề nghị Bộ Y tế khẩn trương tiếp thu ý kiến của các cơ quan để chính thức ban hành các tiêu chí ngừng thực hiện Chỉ thị 16.

Ban Chỉ đạo cũng yêu cầu các địa phương tiếp tục chú trọng nâng cao hiệu quả hơn nữa công tác xét nghiệm sàng lọc, tầm soát chủ động trong cộng đồng, trong các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, cơ sở y tế, những nơi có nguy cơ cao.

Tiếp tục đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine đã được phân bổ; tổ chức nhiều điểm tiêm cố định và lưu động, tạo thuận lợi và bảo đảm an toàn, hiệu quả cho người được tiêm.

Đồng thời, thành lập các cơ sở thu dung, bệnh viện dã chiến trên cơ sở chuyển công năng của các bệnh viện, khu ký túc xá, khu nhà xưởng, nhà kho, hoặc xây mới để thu dung, điều trị các bệnh nhân mắc COVID-19.

Đảm bảo hiệu quả thực hiện giãn cách xã hội

Tại cuộc họp, Bộ Y tế đề nghị, trong thời gian tới, TP.HCM và các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch ở mức cao nhất. Đảm bảo hiệu quả việc thực hiện giãn cách xã hội.

Thực hiện bóc tách F0 khỏi cộng đồng, cách ly, khoanh vùng triệt để, từng bước giảm số mắc mới đồng thời nâng cao công tác thu dung, điều trị để giảm tử vong.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn