MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Tình trạng trốn đóng, nợ đóng BHYT vẫn diễn ra ở doanh nghiệp tư nhân

Phạm Đông LDO | 01/10/2021 15:20

Ủy ban Xã hội của Quốc hội lưu ý khi hiện còn khoảng gần 10% dân số chưa tham gia bảo hiểm y tế (BHYT). Bên cạnh đó, tình trạng trốn đóng, nợ đóng BHYT vẫn diễn ra khá phổ biến ở các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ. 

Ngày 1.10, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Phiên họp toàn thể lần thứ 2 theo hình thức trực tuyến, Ủy ban Xã hội tiến hành thẩm tra báo cáo của Chính phủ về việc quản lý, sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế năm 2020; việc thực hiện Nghị quyết 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm toàn dân năm 2019-2020. Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh chủ trì Phiên họp.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, tính đến ngày 31.12.2020, số người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) là 87,96 triệu người, đạt 100,2% kế hoạch. Trong đó, ngân sách nhà nước đóng và hỗ trợ mức đóng BHYT trên 51 triệu người, chiếm 58% số đối tượng. Tổng số chi ngân sách nhà nước đóng, hỗ trợ mức đóng năm 2020 là 43.638,5 tỉ đồng, bằng 41% tổng số thu tiền đóng BHYT.

Về tình hình khám bệnh, chữa bệnh BHYT năm 2020, có 2.612 cơ sở khám chữa bệnh BHYT, tăng 166 cơ sở (6,8%) so với năm 2019. Đối với việc khám, chữa bệnh BHYT theo loại hình nội trú, ngoại trú, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, toàn quốc có hơn 167 triệu lượt khám chữa bệnh, giảm hơn 10% so với năm 2019.

Bên cạnh đó, tại một số địa phương bị phong tỏa hoặc có cơ sở khám, chữa bệnh BHYT bị phong tỏa do có ca nhiễm COVID-19 đã dẫn đến thời gian điều trị nội trú buộc phải kéo dài ngày. Điều này khiến tỷ lệ chi phí giường bệnh nội trú tăng hơn so với năm 2019, chiếm gần 25% tổng chi khám chữa bệnh nội trú, gần bằng tỷ lệ chi phí thuốc, hóa chất, dịch truyền, máu và chế phẩm máu của người bệnh điều trị nội trú.

Các thành viên Ủy ban Xã hội ghi nhận và đánh giá cao báo cáo của Bộ Y tế và cho rằng, thời gian qua, Quỹ BHYT đã hỗ trợ rất nhiều cho ngành y tế. Số người tham gia BHYT năm 2020 tăng 2,35% so với năm 2019; tỷ lệ bao phủ BHYT đã vượt 0,15% so với chỉ tiêu Quốc hội giao. 

Tuy nhiên, các thành viên Ủy ban Xã hội cũng lưu ý tỷ lệ tham gia BHYT chưa bền vững, số đối tượng ở nhóm người lao động và người sử dụng lao động đóng giảm do tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19; các nhóm đối tượng tham gia BHYT chưa đồng đều, nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước đóng hoặc hỗ trợ mức đóng vẫn chiếm tỷ lệ cao.

Hiện còn khoảng gần 10% dân số chưa tham gia BHYT chủ yếu rơi vào nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình, nhóm ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng và một phần của nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng. 

Bên cạnh đó, tình trạng trốn đóng, nợ đóng BHYT vẫn diễn ra khá phổ biến ở các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Việc kiểm soát chi phí khám chữa bệnh BHYT được làm chặt chẽ một mặt hạn chế được tình trạng trục lợi BHYT nhưng cũng dẫn đến hệ quả bác sĩ hạn chế kê thuốc BHYT cho bệnh nhân để không bị xuất toán, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân khi đi khám chữa bệnh BHYT.

Kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh đề nghị có thêm những ý kiến đóng góp vào báo cáo để gửi lại cho thường trực Ủy ban để báo cáo Thường vụ Quốc hội vào phiên họp tới. Các nội dung này sẽ được xem xét, cho ý kiến tại phiên họp tới đây và sẽ trình Quốc hội ở kỳ họp thứ 2.

Bà Nguyễn Thuý Anh cho biết thời gian tới sẽ tăng cường giám sát những kiến nghị của Chính phủ về tiếp tục tăng cường giám sát việc thực hiện pháp luật về BHYT; tăng cường giám sát việc quản lý và sử dụng quỹ BHYT; giá dịch vụ khám chữa bệnh BHYT, nợ tiền đóng, chậm tiền đóng, trục lợi BHYT... 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn