MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa (thứ hai từ phải sang) và Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn (thứ nhất từ trái sang) tại Trung tâm Hành chính công và Xúc tiến đầu tư Hà Giang. Ảnh: Hà Chính/VGP

Tổ công tác của Thủ tướng yêu cầu Hà Giang báo cáo 6 vấn đề

T.T LDO | 25/12/2018 11:58

Ngày 25.12, trong buổi làm việc với UBND tỉnh Hà Giang, Tổ công tác của Thủ tướng đã yêu cầu tỉnh này báo cáo 6 vấn đề quan trọng.

Tổ công tác do Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa - Tổ phó dẫn đầu. Buổi làm việc còn có sự tham gia của lãnh đạo các vụ, cục, đơn vị của Văn phòng Chính phủ và đại diện các bộ, cơ quan.

Trong đó, 6 nội dung Tổ công tác yêu cầu UBND tỉnh Hà Giang báo cáo gồm: Tình hình thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng giao; công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành và thực thi; công tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước với đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa; các giải pháp thu hút đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh, công tác cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước; các khó khăn, vướng mắc và kiến nghị, đề xuất tháo gỡ.

Báo cáo Tổ công tác, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn cho biết, tỉnh có điều kiện rất khó khăn và trong những năm qua luôn rất được Trung ương Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành quan tâm. Nhờ đó, tình hình kinh tế - xã hội đã có nhiều thay đổi, đời sống của bà con được cải thiện nhiều.

Tính đến ngày 15.11.2018, tỉnh được giao 170 nhiệm vụ, đã hoàn thành 54 nhiệm vụ, đang thực hiện 116 nhiệm vụ trong hạn, không có nhiệm vụ quá hạn.

Trong 2 năm qua, UBND tỉnh Hà Giang đã ban hành trên 20.000 văn bản để tổ chức triển khai các nhiệm vụ được giao.

Kết quả là tỉnh cơ bản hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội. Năm 2018, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh tăng 6,76% so với năm 2017.

Đáng lưu ý, tỉnh thực hiện tốt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, một số sản phẩm bước đầu có thị trường tiêu thụ ổn định, 6 sản phẩm được cấp chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý, 2 sản phẩm được dán tem truy xuất nguồn gốc. Chỉ tiêu số xã đạt chuẩn nông thôn mới hoàn thành và vượt kế hoạch...

Tuy nhiên, ngân sách cho xây dựng hạ tầng giao thông vẫn rất hạn hẹp. Hiện chỉ 21% các điểm trường được đầu tư kiên cố hóa.

Một trong những điểm sáng của Hà Giang là công tác cải cách hành chính, cải cách tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, ứng dụng công nghệ thông tin.

Trong đó, tỷ lệ cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính trung bình khoảng 30%.

Tỉnh đã thực hiện thí điểm hợp nhất Ban Tổ chức Tỉnh ủy và Sở Nội vụ thành Ban Tổ chức - Nội vụ; Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy và Thanh tra tỉnh thành Ủy ban Kiểm tra - Thanh tra tỉnh.

Tỉnh cũng hoàn thành Đề án sáp nhập nhiều cơ quan thành Trung tâm Tư vấn Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Giang.

Tỉnh cũng đã đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, UBND tỉnh và các sở ngành đã phân cấp, ủy quyền được 34 nội dung, nhất là phân cấp, phân quyền trong quản lý công chức, gắn thẩm quyền tuyển dụng với sử dụng.

Hiện nay hệ thống quản lý văn bản đã được kết nối liên thông từ VPCP đến UBND cấp xã, 100% các cơ quan trong hệ thống chính trị sử dụng phần mềm quản trị văn phòng, 85% văn bản không mật được trao đổi dưới dạng điện tử.

Đặc biệt, tỉnh đã sẵn sàng cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4 cho hơn 95% số thủ tục, đồng thời chủ trương xây dựng lại theo hướng tất cả các dịch vụ đều cho phép cung cấp ở mức độ 4, hồ sơ của khách hàng đáp ứng ở mức độ nào thì lựa chọn mức độ đó.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn