MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tư liệu được Ban tổ chức trưng bày trong buổi toạ đàm sáng 11.9. Ảnh: Phạm Đông

Tọa đàm, trưng bày chuyên đề về nhà báo Trương Vĩnh Ký

Phạm Đông LDO | 11/09/2020 14:59

Sáng 11.9, tại Hà Nội, Bảo tàng Báo chí Việt Nam tổ chức buổi tọa đàm, trưng bày chuyên đề về nhà báo Trương Vĩnh Ký.

Tại buổi tọa đàm, diễn giả Trần Hữu Phúc Tiến (từng công tác tại Báo Tuổi Trẻ) đã giới thiệu tham luận “Petrus Trương Vĩnh Ký và sự nghiệp Văn – Giáo – Báo – Sử”. Tiếp đó, với sự chủ trì, dẫn dắt của GS, TS Đỗ Quang Hưng đã giúp cho những người tham dự tọa đàm hiểu rõ hơn về cuộc đời và sự nghiệp của nhà báo Trương Vĩnh Ký.

Tọa đàm, trưng bày chuyên đề về nhà báo Trương Vĩnh Ký là một hoạt động quan trọng mở đầu và sẽ được tiếp tục đầu tư, theo đuổi lâu dài. Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã được giao nhiệm vụ ngay từ khi thành lập, đó là nghiên cứu và khai thác, phát huy giá trị di sản báo chí Việt Nam các thời kỳ; tiếp thu và học tập các thế hệ nhà báo đi trước trong việc gây dựng, phát triển sự nghiệp báo chí nước nhà.

Diễn giả Trần Hữu Phúc Tiến trình bày chuyên đề về nhà báo Trương Vĩnh Ký. Ảnh: Khánh Huyền

Những tư liệu, báo chí liên quan đến nhà báo Trương Vĩnh Ký do các đại biểu trình bày tại tọa đàm đã giúp độc giả tiếp cận được một cách đầy đủ hơn một phần di sản thời khởi thủy của báo chí tiếng Việt mà nhà báo Trương Vĩnh Ký là người đã dựng lên cột mốc đầu tiên, để lại những dấu ấn đầu tiên. Tại tọa đàm, Ban tổ chức trưng bày một số hiện vật, ấn phẩm báo chí, tài liệu gốc về nhà báo Trương Vĩnh Ký.

Nhà báo Trương Vĩnh Ký (1837-1898) còn có tên là Petrus Ký, là một người có kiến thức uyên bác về nhiều mặt, trong lĩnh vực văn hóa, xã hội, khoa học…

Những hiện vật, tài liệu gốc về nhà báo Trương Vĩnh Ký. Ảnh: Phạm Đông

Nổi tiếng thần đồng, hiếu học, ngay từ bé, ông Trương Vĩnh Ký đã thông thạo chữ Hán và quốc ngữ, được một linh mục đưa đến Cái Nhum học tiếng Latinh. Sau đó, qua học trường Pinhalu ở Campuchia. Khoảng năm 1851-1858 được cấp học bổng ở trường Pénang trên Ấn Độ Dương. Năm 1863, ông làm phiên dịch cho phái đoàn nhà Nguyễn sang Pháp thương lượng chuộc ba tỉnh miền đông.

Ông Trương Vĩnh Ký là một học giả lớn. Ông thông thạo 15 thứ tiếng phương Tây, 11 thứ tiếng phương Đông. Ông được người đương thời xếp vào danh sách 18 nhà bác học hàng đầu thế giới.

Nhưng đáng nói nhất là công lao to lớn, vai trò quan trọng của Trương Vĩnh Ký trong lịch sử báo chí nước nhà. Ông thành lập và làm tổng biên tập những tờ báo tiếng Việt đầu tiên, đồng thời là cây bút chủ chốt của rất nhiều báo khác. Ông đã đặt nền móng và dốc sức phát triển báo chí Việt Nam theo hướng toàn diện, rộng lớn về quy mô, chặt chẽ về kết cấu, đa dạng về phong cách và thuận tiện, gần gũi, hòa đồng về phương thức tiếp cận bạn đọc.

Tọa đàm, trưng bày chuyên đề về nhà báo Trương Vĩnh Ký. Ảnh: Phạm Đông

Tờ báo tiếng Việt đầu tiên là tờ Gia Định báo, xuất bản từ ngày 15.4.1865 và đến tận năm 1909 mới đình bản. Đây là một tờ tuần báo, nhưng ngày ra không nhất định - khi thì thứ Ba, khi thì thứ Tư hoặc thứ Bảy. Số trang cũng không ổn định - từ 4 đến 12 trang. Báo có khuôn khổ 32 x 25 (cm), giá bán mỗi số là 0,17 đồng (nếu đặt mua cả năm 6,67 đồng).

Gia Định báo do nhà báo Trương Vĩnh Ký khởi xướng và làm Chủ nhiệm, cùng cộng tác viên Huỳnh Tịnh Của (Chủ bút), Trương Minh Ký, Tôn Thọ Tường... Ban đầu nội dung bao gồm 2 phần: Công vụ và tạp vụ, về sau có thêm phần mở rộng (phần khảo cứu, nghị luận).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn