MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Báo Lao Động phải di chuyển vào rừng và liên tục thay đổi địa điểm để xuất bản.

Tòa soạn trong rừng, người làm báo vật lộn với sốt rét để xuất bản

Báo Lao Động LDO | 06/08/2022 06:00
Hơn 200 số Báo Lao Động được phát hành trong 9 năm kháng chiến (1947-1954) đã phục vụ đắc lực nhiệm vụ tuyên truyền của Đảng và chính quyền, trong nhiệm vụ giải phóng dân tộc, bảo vệ nhà nước Xã hội chủ nghĩa, tạo nên truyền thống vẻ vang của tờ báo của giai cấp công nhân và Công đoàn Việt Nam.

Tòa soạn trong rừng

Ngày 19.12.1946, thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Trước đó, biết là cuộc kháng chiến sẽ xảy ra, Báo Lao Động đã tổ chức nhiều cuộc di chuyển máy móc, giấy in, mực in tạm cất giấu tại xã Bối Khê, huyện Thanh Oai, Hà Đông. Người cuối cùng của tòa soạn rút khỏi trụ sở báo ở số nhà 51 Hàng Bồ, Hà Nội là ông Vũ Tiệp - quản lý nhà in.

Ông rời Hà Nội vào chiều 19.12.1946, trên vai đeo một tay nải nặng những con chữ bằng chì và khay xếp chữ. Đêm hôm đó, lúc 20 giờ, từ địa điểm tản cư Bối Khê nhìn về Hà Nội, thấy vùng trời tối sầm lại, những tia lửa đạn trùm lên, ông biết là cuộc chiến đấu cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh đã bắt đầu, từ nay không quay về Hà Nội được nữa.

Ông âm thầm kiểm lại và vui mừng thấy hầu hết bộ phận máy móc quan trọng nhất cho đến từng chiếc bulông đã ra khỏi Hà Nội. Cuộc chiến đấu mới đã bắt đầu. Ngôi nhà số 51 Hàng Bồ trở thành sở chỉ huy của dân quân tự vệ khu phố, thuộc Mặt trận Liên khu 1 Hà Nội, sau đó làm sở giao tế của Bộ chỉ huy mặt trận.

Ngày 21.1.1947 (tức 30 tháng Chạp), nơi đây còn trang hoàng đúng nghi thức đón tết Nguyên đán của dân tộc, tiếp một số nhà báo nước ngoài đến chúc tết và thăm dò quyết tâm kháng chiến của nhân dân ta. Cuộc chiến đấu kiên cường bảo vệ Hà Nội diễn ra cho đến ngày 17.2.1947, một chi đội cuối cùng của Trung đoàn Thủ đô mới thực sự rời ngôi nhà 51 Hàng Bồ rút khỏi Hà Nội an toàn.

Năm 1947 là năm di chuyển và củng cố cơ quan. Muốn ra báo ngay cũng không được. Khó khăn nhất vẫn là giấy. Sang năm 1948, các cơ sở sản xuất giấy bằng phương pháp thủ công mọc lên khắp nơi, nhu cầu giấy in báo mới thực sự được giải quyết. Báo Lao Động tiếp tục ra mắt bạn đọc từ đầu năm 1948.

Toà soạn báo ban đầu đóng ở Trại Văn Kim thuộc xã Hào Phú, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, cùng địa điểm với cơ quan Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Cán bộ toà soạn báo thời đó có Phạm Hồng, Nguyễn Quang Huy (sau là nhà điện ảnh), Mạc Phi (sau là nhà văn), hoạ sĩ Râu Ria...

Theo những người từng làm Báo Lao Động kể lại, kỷ niệm đáng nhớ nhất của thời kỳ này là giai thoại mà không ai có thể quên. Một hôm, Hồ Chủ tịch đọc báo Lao Động, Người đã viết mấy dòng sau đây bên cạnh bức tranh của Râu Ria gửi cho đồng chí Nguyễn Hữu Mai - Tổng Thư ký Tổng LĐLĐVN:

Vẽ như Ri

Xem chẳng hiểu chi

Thế mà bảo đại chúng

Đại chúng gì?

Mấy lời phê bình vui ấy trở thành một bài học nghiêm khắc khiến các đồng chí lãnh đạo Tổng Liên đoàn phải suy nghĩ đến việc chấn chỉnh toà soạn báo.

Khoảng giữa năm 1949, một lực lượng cán bộ được điều động từ khắp nơi lần lượt lên chiến khu Việt Bắc bổ sung cho toà soạn. Đó là những cán bộ xuất thân từ công nhân và phong trào công đoàn, có trình độ học vấn nhất định và có khả năng tiếp cận nhanh với báo chí. Trong đó, có Đỗ Trọng Giang, Lê Vân, Ngô Tùng, Đỗ Như Khánh, Thành Quý, Phạm Mai Cương (nữ), Du Viết, Phan Kế Bảo, Thanh Bình, Phạm Văn Nhàn, Huy Đan, các hoạ sĩ Thanh Sơn, Nguyễn Minh Tân… Đỗ Trọng Giang được chỉ định làm Chủ nhiệm báo.

Liên tục di chuyển, vận lộn với sốt rét

Ông Đỗ Trọng Giang từng kể về chuyện làm Báo Lao Động trong rừng chiến khu: Tôi được lệnh điều động lên Việt Bắc gấp, ăn tết dọc đường. Lên đến Văn Kim nhận việc ở Báo Lao Động ngay. Tôi thấy Lê Vân cũng có mặt ở đó, trong đoàn cán bộ chuẩn bị sang Trung Quốc học nghề.

Tôi biết Lê Vân có máu mê báo chí, bèn "tán tỉnh" ông. Lê Vân nhận lời ở lại làm báo. Đó là một cử chỉ rất đáng khâm phục, bởi vì thời gian đó ở Văn Kim hết sức gian khổ. Tôi lên đến nơi còn nghe dư âm vụ sốt rét ác tính ở nhà máy sản xuất vũ khí của Tổng Liên đoàn, địa điểm gần đó, làm chết hơn trăm rưỡi người vào năm 1948.

Toà soạn báo không ai không bị sốt rét. Ở Văn Kim một thời gian, toà soạn báo theo cơ quan Tổng Liên đoàn vượt Đèo Khế về đóng ở xã Cao Vân, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Đó là những chiếc lán nhỏ nằm rải rác ven đồi dưới những lùm cây. Nhà in thì ở trong rừng sâu, sau dãy núi Tam Đảo, tất cả con đường mòn dẫn tới địa điểm đều phải đi quanh co, ẩn khuất dưới những tán rừng. Người ngoài đến giao dịch phải nằm ở ngoài trạm chờ. Không bao giờ người ta thấy công nhân nhà in lảng vảng tới những quán cà phê, quán phở rất hấp dẫn mọc lên quanh vùng.

Báo phát hành bằng cách gửi từng bọc nhỏ theo đường giao thông bằng chân đưa tới các Liên hiệp Công đoàn liên khu, rồi từ liên khu đưa xuống các tỉnh và cơ sở.

Các liên khu có nhiệm vụ thanh toán tiền mặt với Ban Trị sự báo. Tiền gói trong những gói niêm phong có ghi số chuyển từ trạm giao thông này qua trạm giao thông khác đến nơi nhận không hề suy chuyển.

Thời kỳ này, toà soạn cứ di chuyển liên tục. Tôi nhớ hồi ở Cao Vân, sau đó sang xóm Gốc Sấu, rồi lên La Bằng, Gốc Điệp gần nơi họp Đại hội Công đoàn toàn quốc lần thứ nhất; vượt sông Chảy sang An Khê bên Yên Bái (lúc đó địch đang đánh Thái Nguyên), hay sang Làng Tuộc cạnh sông Gâm, có lần về xóm Bưng, xóm Toa gần Tân Trào, lại có lần di chuyển về Bắc Giang, nơi có cuộc kỷ niệm Ngày Quốc tế lao động rất to.

Toà soạn lưu động, đi đâu thì đi, nhưng nhà in thì cắm tại chỗ, nên đi đâu cũng phải xoay quanh cái trục là nhà in. Những người bám nhà in là Minh Tần, lên trang tại chỗ; Thanh Sơn vừa vẽ vừa khắc gỗ; Văn Đằng, thợ khắc, tất cả măng sét báo, các đầu đề bài là do một tay anh khắc. Người trình bày báo còn phải có khả năng cắt bài, bổ sung tin, bài tại chỗ.

Làm báo trên chiến khu, bài vở đều phải do phóng viên làm, không thể trông đợi vào nguồn tin bài nào khác. Có số báo một người viết hai, ba bài. Và không đi đến tận nơi có sự việc không thể viết được. Mà các chuyến đi đâu có dễ, phải mang theo gạo, phương tiện duy nhất là đôi chân. Đến nhiều địa điểm bí mật còn phải đợi chán ngoài trạm chờ. Còn phải chia nhau đi các chiến dịch...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn