MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa thông tin tại phiên họp. Ảnh: Phạm Thắng/VPQH

Tội phạm mua bán người gia tăng, nổi lên chiêu dụ dỗ việc nhẹ, lương cao

PHẠM ĐÔNG LDO | 08/05/2023 13:37

Trong các thủ đoạn mua bán người có nổi lên chiêu dụ dỗ nạn nhân làm "việc nhẹ, lương cao", tổ chức vượt biên để ép buộc làm việc bất hợp pháp ở nước ngoài. Nạn nhân muốn về nước phải trả một khoản tiền chuộc lớn, có thể lên đến 10.000 USD.

Ngày 8.5, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức phiên giải trình về việc chấp hành pháp luật về phòng, chống mua bán người.

Phát biểu tại phiên giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu rõ, thời gian gần đây, tội phạm mua bán người có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi, đối tượng nạn nhân cũng mở rộng không chỉ còn là phụ nữ, trẻ em mà cả nam giới, trẻ sơ sinh, bào thai, nội tạng… Ngày càng có nhiều vụ mua bán người trong nước bị phát hiện gây bất an, lo lắng trong nhân dân.

Mặt khác việc chấp hành pháp luật về phòng, chống mua bán người ở một số địa phương chưa nghiêm. Công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý tội phạm mua bán người và công tác giải cứu, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân bị mua bán còn những hạn chế chưa thực sự đáp ứng yêu cầu.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, tình hình trên đặt ra yêu cầu cần có đánh giá chính xác thực trạng chấp hành pháp luật về phòng, chống mua bán người trên phạm vi cả nước.

Cần đánh giá thực trạng tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật về mua bán người, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức hữu quan và có giải pháp khắc phục, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người trong thời gian tới.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga chủ trì phiên giải trình. Ảnh: Phạm Thắng/QH

Theo báo cáo của Bộ Công an, giai đoạn 2018-2022, cả nước phát hiện 440 vụ với hơn 1.200 nạn nhân (phụ nữ chiếm 58%). Trong số này 19 vụ bóc lột tình dục; 132 vụ cưỡng bức lao động; 4 vụ để lấy bộ phận cơ thể.

Năm 2012-2020, mục đích mua bán người chủ yếu đưa ra nước ngoài (chiếm trên 85% tổng số vụ). Tuy nhiên, gần đây xuất hiện ngày càng nhiều giao dịch ở trong nước, tỷ lệ 45-50%.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa cho hay còn xuất hiện tình trạng mua bán thai nhi, mua bán nam giới để cưỡng bức lao động trên tàu cá. Một số vụ mua bán trẻ sơ sinh núp bóng tổ chức thiện nguyện.

"Nước ta không những là nơi xuất phát tội phạm nguồn mà còn là địa bàn trung chuyển mua bán người từ một số nước trong khu vực đi nước thứ ba", bà Hoa thông tin.

Trong các thủ đoạn, theo Ủy ban Tư pháp, nổi lên chiêu dụ dỗ nạn nhân làm "việc nhẹ, lương cao", tổ chức vượt biên để ép buộc làm việc bất hợp pháp ở nước ngoài. Nạn nhân muốn về nước phải trả một khoản tiền chuộc lớn, có thể lên đến 10.000 USD.

Dạng thứ hai, tội phạm lợi dụng thủ tục đơn giản trong việc kết hôn, nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài, du lịch, thăm thân. Sau khi ra khỏi Việt Nam, nạn nhân bị thu giấy tờ tùy thân, bán sang tay nhiều chủ để cưỡng bước lao động, mại dâm, ép thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Bốn năm qua, cơ quan có thẩm quyền phối hợp giải cứu 352 nạn nhân; tiếp nhận, xác minh 545 người trở về.

Ủy ban Tư pháp nhận định các thủ đoạn của tội phạm mua bán người ngày càng "tinh vi, vô nhân đạo, có sự câu kết chặt chẽ trong và ngoài nước". Nguyên nhân do Việt Nam có đường biên giới dài, nhiều cửa khẩu, đường mòn, lối mở. Tình trạng thiếu việc làm; lợi nhuận khổng lồ từ mua bán người cũng khiến nhiều người tham gia vào đường dây mua bán người.

Bên cạnh đó, cơ chế hợp tác quốc tế đặc thù về phòng, chống mua bán người, hiệp định tương trợ tư pháp hình sự, dẫn độ giữa Việt Nam với một số nước có nhiều nạn nhân là người Việt Nam chưa đầy đủ.

Ủy ban Tư pháp đề nghị Quốc hội xem xét, bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), tập trung giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống mua bán người.

Chính phủ tạo chính sách khuyến khích, tạo công ăn việc làm thu hút lao động tại địa phương hạn chế tình trạng người dân đi lao động trái phép ra nước ngoài.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn