MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Phạm Đông

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tham gia đầu tư dự án nhà ở cho công nhân là rất cần thiết

PHẠM ĐÔNG LDO | 26/08/2023 09:59

Chiều qua (25.8), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).

Trình bày báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), về quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, trong Thường trực Ủy ban Pháp luật có 2 loại ý kiến.

Trong đó, nhiều ý kiến tán thành quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội để cho công nhân thuê theo đề xuất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Tuy nhiên, do đây là các dự án nhà ở công nhân để cho thuê, vốn đầu tư lớn nhưng thời gian thu hồi vốn dài nên cần bổ sung đánh giá tác động về nguồn lực đầu tư và khả năng thu hồi vốn. Làm rõ trình tự, thủ tục đầu tư theo pháp luật đầu tư hay pháp luật đầu tư công và hình thức sở hữu đối với nhà ở hình thành trong dự án để có cơ chế quản lý phù hợp.

Đồng thời, cần chỉnh lý, bổ sung các quy định có liên quan của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) để Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được giao đất, cho thuê đất thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân và cho thuê nhà ở này.

Trong khi đó, một số ý kiến cho rằng, không nên quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân. Các ý kiến cho rằng, đây là vấn đề mới, còn nhiều nội dung chưa được làm rõ.

"Do đó, đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xây dựng Đề án báo cáo Quốc hội xem xét cho thực hiện thí điểm chính sách Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội cho công nhân trong một thời hạn nhất định, nếu phát huy hiệu quả mới quy định trong Luật" - Thường trực Ủy ban Pháp luật cho biết.

Ông Hoàng Thanh Tùng báo cáo tại phiên họp. Ảnh: Phạm Đông

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho hay, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có buổi làm việc để giải trình nhiều vấn đề với Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và nhiều lần làm việc với Bộ Xây dựng để thảo luận, trao đổi, thống nhất về vấn đề này.

Theo ông Ngọ Duy Hiểu, đề xuất này của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có đầy đủ cơ sở lý luận và thực tiễn.

Về mặt lý luận và sự cần thiết, ông Ngọ Duy Hiểu cho biết, một trong các vấn đề mà công nhân, người lao động quan tâm hàng đầu hiện nay là nhà ở. Vấn đề nhà ở kéo theo một loạt các vấn đề của công nhân như điều kiện ăn ở, sức khỏe, môi trường sống, chăm sóc con cái, an ninh an toàn, xử lý các tình huống khủng hoảng như dịch bệnh COVID-19 vừa qua, tạo an tâm cho người lao động để gắn bó với doanh nghiệp…

Hiện nay, nhu cầu về nhà ở cho công nhân rất lớn, trong khi khả năng đáp ứng của Nhà nước còn hạn chế, doanh nghiệp chưa mặn mà với nhà ở xã hội nói chung, thì rõ ràng rất cần thiết chúng ta phải thiết kế một đạo luật có khả năng thu hút và giải phóng nguồn lực để huy động mọi lực lượng xã hội, trong đó có Công đoàn tham gia xây dựng nhà ở cho công nhân.

Trong bối cảnh nước ta hội nhập sâu rộng, tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, Nhà nước cần tạo cơ chế để Công đoàn tiếp tục khẳng định, phát huy vai trò, thể hiện những ưu việt, thế mạnh trong thu hút, tập hợp người lao động, gắn bó mật thiết với đoàn viên.

Về mặt thực tiễn, trước thực trạng bức xúc về nhà ở của công nhân, theo đề xuất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, ngày 12.5.2017, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 655/QĐ-TTg phê duyệt đề án "Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất” (sau này sửa đổi thành Quyết định số 1729/QĐ-TTg ngày 4.11.2020 của Thủ tướng Chính phủ).

Tổng Liên đoàn đã báo cáo cơ quan chức năng và thành lập Ban Quản lý dự án thiết chế Công đoàn.

Theo đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tổ chức triển khai ở các địa phương khác nhau, trong đó có khu thiết chế Công đoàn tỉnh Hà Nam, đóng tại Khu Công nghiệp Đồng Văn II, thị xã Duy Tiên, được thiết kế gồm 5 tòa nhà với tổng số 244 căn hộ, đã cho công nhân thuê 100%.

Vừa qua, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã về khảo sát thực tế, được chứng kiến điều kiện ăn, ở, cuộc sống… của người lao động. Trong quá trình vận hành đến nay không phát sinh những vấn đề lớn.

Việc triển khai Quyết định số 655/QĐ-TTg và Quyết định số 1729/QĐ-TTg được lãnh đạo và nhân dân các địa phương, nhất là công nhân rất ủng hộ, mong chờ; đến nay đã có 36 địa phương giới thiệu địa điểm khu đất cho Tổng Liên đoàn, trong đó có 13 đơn vị đã phê duyệt quy hoạch chi tiết.

Định hướng đầu tư của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đó là chỉ xây dựng để cho thuê, với một số lượng rất ít trong nhu cầu lớn về nhà ở của công nhân. Đầu tư được ưu tiên ở những địa bàn cần kíp, khó khăn, có tính chất tượng trưng, vừa tham gia giải quyết nhu cầu cấp bách về nhà ở cho công nhân, vừa khẳng định vị thế của tổ chức Công đoàn để tập hợp người lao động.

Nguồn vốn được lấy từ nguồn tiết kiệm chi hành chính theo Đề án 655 và từ Quỹ đầu tư của Tổng Liên đoàn. Cơ quan tổ chức thực hiện là Ban Quản lý dự án thiết chế Công đoàn có năng lực chuyên môn tốt. Đến nay, hoàn toàn có đủ cơ sở quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tham gia đầu tư dự án nhà ở cho công nhân trong dự thảo Luật Nhà ở.

“Công đoàn tham gia xây dựng nhà ở cho công nhân vừa là vấn đề an sinh xã hội, vấn đề kinh tế, thúc đẩy đoàn viên, người lao động gắn bó với doanh nghiệp, đó còn là vấn đề có ý nghĩa chính trị to lớn, khẳng định vị thế, vai trò của tổ chức Công đoàn. Từ đó giúp Công đoàn làm tròn sứ mệnh của mình” - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn