MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trả lời câu hỏi của báo chí tại họp báo chiều 19.6. Ảnh: Trần Vương

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nói về vụ án Hồ Duy Hải

Chung Nguyên Vương LDO | 19/06/2020 21:01
Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, sau phiên họp hôm 16.6, Ủy ban Tư pháp vẫn chưa có báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội về vụ án Hồ Duy Hải.

Chiều 19.6, tại họp báo công bố kết quả kỳ họp 9, Quốc hội khóa XIV, báo chí đã nêu câu hỏi về liên quan đến quan điểm và kiến nghị cụ thể của Ủy ban Tư pháp về vụ án Hồ Duy Hải.

Trả lời câu hỏi về vụ việc này, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, như họp báo đầu kỳ họp, vụ án Hồ Duy Hải là vụ án phức tạp, trải qua 12 năm. Sau khi có quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao, có nhiều ý kiến của dư luận, các đại biểu Quốc hội cũng có kiến nghị gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về vụ việc này.

Theo ông Phúc, để xem xét kiến nghị của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giao Ủy ban Tư pháp xem xét, có báo cáo tham mưu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Thực hiện theo điều 404 Bộ luật Tố tụng hình sự.

"Ngày 16.6, Ủy ban Tư pháp đã họp phiên toàn thể xem xét nội dung này. Tuy nhiên, đến nay, Ủy ban Tư pháp chưa có báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội" - ông Phúc nói.

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng khẳng định, sau khi Ủy ban Tư pháp báo cáo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghe, lúc đó sẽ có quyết định.

Trước đó, ngày 16.6, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội họp phiên toàn thể về vụ án Hồ Duy Hải dưới sự chủ trì của Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga.

Cuộc họp kéo dài tới gần trưa ngày 16.6. Các thành viên của Ủy ban Tư pháp đã thảo luận về vụ án Hồ Duy Hải.

Cuộc họp được tổ chức để xem xét tính đúng đắn của quyết định phiên Giám đốc thẩm của vụ án Hồ Duy Hải.

Kết quả cuộc họp sẽ được Uỷ ban Tư pháp tổng hợp để báo cáo, tham mưu cho cấp có thẩm quyền về vụ án được dư luận quan tâm này.

Được biết, phiên họp toàn thể xem xét về quyết định phiên Giám đốc thẩm là hoạt động bình thường của cơ quan chuyên môn của Quốc hội.

Trước đó, tại nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, Quốc hội đã thành lập đoàn giám sát do Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu làm Trưởng đoàn, thực hiện giám sát về tình hình oan, sai, trong đó có nghiên cứu một số vụ án cụ thể để phục vụ giám sát tối cao của Quốc hội, bao gồm vụ Hồ Duy Hải.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn