MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thành phố Hồ Chí Minh hôm nay. Ảnh: Anh Tú

TP Hồ Chí Minh: 45 năm, hành trình đến một đô thị thông minh, đáng sống

bảo chương LDO | 29/04/2020 06:50

Sau 45 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Thành phố Hồ Chí Minh hôm nay trở thành một thành phố có vị trí đặc biệt quan trọng ở khu vực phía Nam và cả nước, xứng đáng là đầu tàu kinh tế của đất nước và là một thành phố thực sự đáng sống.

Một diện mạo tươi sáng

TP.Hồ Chí Minh hôm nay trở thành một đô thị đặc biệt trực thuộc Trung ương, không chỉ là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, mà còn là trung tâm văn hóa, y tế, giáo dục, khoa học công nghệ, giao dịch quốc tế, du lịch-dịch vụ-thương mại, đầu mối giao thông và giao lưu lớn của cả nước, của khu vực và quốc tế. 

Tờ New York Times nhận định: “Sau nửa thế kỷ chiến tranh và nghèo đói, TP.Hồ Chí Minh đang gấp gáp bước về phía trước với những kế hoạch khổng lồ về mở rộng và phát triển đô thị. Quyết tâm giành lấy vị trí xứng đáng là một trong những đô thị hàng đầu của thế giới”.

Theo ông Nguyễn Nam Hiền - Phó Tổng Hưng Thịnh Corp -  nếu nhìn lại quãng thời gian những năm đầu sau giải phóng, TP.Hồ Chí Minh đối mặt với nhiều vấn đề đô thị trầm trọng như nhà ổ chuột ở nhiều quận huyện cũng như trên nhiều kênh rạch, hạ tầng cơ sở yếu kém và không đồng bộ… Tuy nhiên, trong những năm qua, công tác quản lý và phát triển đô thị đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Không gian đô thị được mở rộng, dân cư đô thị ngày càng gia tăng, người dân ngày càng được hưởng nhiều hơn những tiện ích của một đô thị hiện đại. Các khu đô thị mới như khu đô thị Phú Mỹ Hưng, khu đô thị mới Thủ Thiêm, khu đô thị Tây Bắc… được đầu tư xây dựng, phát triển hiện đại hài hòa với tổ chức không gian thành phố. Quản lý đô thị từng bước đi vào nền nếp, quản lý theo quy hoạch và đã ứng dụng những tiến bộ về khoa học công nghệ vào công tác quản lý.

TP.Hồ Chí Minh hôm nay đã có nhiều công trình hiện đại được triển khai và đưa vào sử dụng, tạo bước đột phá trong phát triển đô thị. Có thể kể tới một số tuyến đường giao thông quan trọng như: đường Nguyễn Văn Linh, đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh-Trung Lương, cầu Phú Mỹ, đường Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ, hầm vượt sông Sài Gòn, đường Phạm Văn Đồng, đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Dây…

Trong quá trình phát triển, thành phố cũng đã có nhiều nỗ lực trong việc cải tạo hệ thống kênh rạch, làm thay đổi cuộc sống của những người dân sống ở đây, đồng thời tạo mỹ quan đô thị. Những kết quả tích cực đó có thể kể tới như: Dự án vệ sinh môi trường nước TP lưu vực kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Dự án cải thiện môi trường nước lưu vực kênh Bến Nghé-Tàu Hũ-kênh Đôi-kênh Tẻ…

Trước nhu cầu thực tế và phù hợp với xu hướng phát triển, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch hệ thống giao thông đường sắt đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2020 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, thành phố sẽ xây dựng 8 tuyến xuyên tâm và vành khuyên nối các trung tâm chính của thành phố, chủ yếu đi ngầm trong nội đô, với chiều dài khoảng 173km. Hiện, thành  phố đang triển khai xây dựng và sớm đưa vào vận hành tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên và tuyến Bến Thành - Tham Lương.

Có thể nói, chính sự phát triển mạnh mẽ của hạ tầng giao thông đã là động lực, tạo sức bật để thành phố luôn giữ được vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, ổn định.

Khẳng định vị trí đầu tàu kinh tế cả nước

Trong nhiều năm qua, Thành phố Hồ Chí Minh ngày càng khẳng định vai trò là trung tâm lớn về nhiều mặt và là một trong các động lực phát triển kinh tế của cả nước. Mặc dù chỉ chiếm 0,63% diện tích và chưa tới 10% về dân số so với cả nước, nhưng nhiều năm liền tăng trưởng kinh tế của thành phố Hồ Chí Minh duy trì tốc độ cao. Tính riêng trong năm 2019, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 1.347.369 tỉ đồng, tăng 8,32% so với năm trước đó. 

Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp năm 2019 ước đạt 42,1 tỉ USD. Số doanh nghiệp của TP.Hồ Chí Minh hiện chiếm khoảng 33% tổng số doanh nghiệp của cả nước. Đối với thu hút đầu tư nước ngoài tiếp tục xu hướng gia tăng mạnh mẽ. Năm 2019 đạt 8,3 tỉ USD, với 1.620 dự án, cao hơn gấp đôi về quy mô đầu tư cũng như số dự án so với năm 2015.

TPHCM là địa phương hiện có mức thu ngân sách cao với mức bình quân mỗi ngày thành phố thu ngân sách 1.600 tỉ đồng. Năm 2019, TPHCM thu ngân sách đạt 409.900 tỉ đồng chiếm 27% tổng thu ngân sách cả nước.

Tiến sĩ Sử Ngọc Khương - Giám đốc cấp cao Bộ phận đầu tư của Savills - cho biết,  với vai trò là đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, hằng năm TP.Hồ Chí Minh đóng góp khoảng 30% tổng thu ngân sách cả nước. Sản lượng công nghiệp thành phố chiếm khoảng 30% giá trị sản lượng toàn quốc và thu hút lượng lớn vốn FDI cho cả nước. Năng động, dám nghĩ, dám làm trong phát triển kinh tế trở thành một “thương hiệu” của TP.Hồ Chí Minh. 

Trong thời đại toàn cầu hóa như hiện nay, để duy trì được vị trí dẫn đầu cả nước, bắt kịp các thành phố thông minh, sáng tạo trong khu vực Đông Nam Á và Châu Á, đòi hỏi TPHCM cần nhanh chóng bắt nhịp với xu thế mới của thế giới. Hiện nay, thành phố đang triển khai Đề án xây dựng TP.Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh và đã đạt được những kết quả bước đầu.

Việc xây dựng thành phố trở thành đô thị thông minh được xem như một đòn bẩy để thành phố tăng trưởng vượt bậc so với phương pháp tăng trưởng truyền thống - chủ yếu dựa vào vốn và lao động; còn được kỳ vọng như một làn gió mới để thu hút đầu tư, tạo ra những giá trị gia tăng cho nền kinh tế. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn