MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân chờ làm thủ tục hành chính ở Thành phố Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Minh Quân

TP Hồ Chí Minh chờ cơ chế bảo vệ cán bộ dám làm vì lợi ích chung

MINH QUÂN LDO | 21/04/2023 17:00

TP Hồ Chí Minh đã ban hành kế hoạch thực hiện chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động  năng động, sáng tạo vì lợi ích chung nhằm cụ thể hóa Kết luận số 14 của Bộ Chính trị. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng cần hành lang pháp lí rõ ràng để bảo vệ cán bộ dám “xé rào” vì lợi ích chung.

Cán bộ có sáng kiến tiêu biểu sẽ được đề bạt vượt trội

Hiện TP Hồ Chí Minh đang khuyến khích cán bộ, công chức có các giải pháp, sáng kiến tập trung vào các chương trình đột phá và trọng điểm mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra cũng như các vấn đề về quản lý đô thị, đầu tư, tài chính công, cải cách hành chính.

Các giải pháp, sáng kiến thực hiện thành công sẽ được khen thưởng vượt cấp, vượt trội so với quy định; được xem xét đề bạt, đưa vào quy hoạch chức vụ lãnh đạo, quản lí; ngân sách đài thọ 100% kinh phí đào tạo, bồi dưỡng. Trong quá trình thực hiện, cơ quan chức năng sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát, đúc kết kinh nghiệm, chỉ ra hạn chế, bất cập, vi phạm (nếu có) để kịp thời khắc phục, chấn chỉnh.

Theo kế hoạch, các cơ quan, đơn vị đăng kí giải pháp, sáng kiến theo kế hoạch hàng năm hoặc theo chỉ đạo của UBND TP Hồ Chí Minh.

Ngày 21.4, trao đổi với Lao Động, Bí thư Huyện ủy Củ Chi Nguyễn Quyết Thắng cho rằng cần thể chế hóa các quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong việc bảo vệ các sáng kiến, sáng tạo, đột phá của cán bộ, bởi trong quá trình thực hiện nhiệm vụ sẽ phát sinh những vấn đề khác. Chẳng hạn, thành phố có một số chủ trương có lợi cho người dân, song áp dụng ở thành phố thì được nhưng khi kiểm tra, các bộ, ngành Trung ương lại không chấp nhận.

Còn theo ông Trần Chí Dũng - Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Quận 7 thì phải có chế độ khen thưởng, quy định rõ việc cất nhắc, bố trí, sử dụng cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm ra sao; đồng thời cũng quy định rõ việc điều chuyển, bố trí cán bộ “bình bình trước mọi việc”, không chịu sáng tạo, đổi mới trong công việc.

“Để tạo sự chủ động cho cán bộ cũng cần thống nhất rõ, nếu xảy ra hậu quả ngoài mong muốn nhưng là yếu tố khách quan, bản thân cán bộ tận tâm, tận tụy thì xử lý như thế nào. Có như vậy thì cán bộ mới dám nghĩ, dám làm, dám sáng tạo, cống hiến hết mình vì công việc” – ông Trần Chí Dũng nói.

Cần hành lang pháp lý rõ ràng để bảo vệ cán bộ

Trước đó, trao đổi với báo chí bên lề kỳ họp HĐND TP Hồ Chí Minh khóa X ngày 18.4, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cho biết, hiện TP Hồ Chí Minh chỉ khuyến khích, động viên đội ngũ làm những gì có thể. Có những việc, khi bộ ngành Trung ương đi thanh tra, kiểm tra, điều tra thì họ đối chiếu quy định pháp luật chứ không đối chiếu vấn đề khác.

Sau khi có Kết luận 14 của Bộ Chính trị, ông Nguyễn Văn Nên cho biết TP Hồ Chí Minh và các địa phương khác cần chờ Đảng đoàn Quốc hội, Ban Cán sự Đảng Chính phủ cụ thể hóa bằng những văn bản pháp luật để có hành lang pháp lý bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.

Cần hành lang pháp lý bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung. Ảnh: Phương Ngân

Trao đổi với Lao Động ngày 21.4, TS Trần Quang Thắng – Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TP Hồ Chí Minh, cho rằng khi có chủ trương khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung thì cần sớm thể chế hóa bằng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Việc này nhằm bảo vệ cái đúng, bảo vệ người tốt, cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá vì lợi ích chung, nhất là với những tình huống cán bộ có sáng kiến, dám "xé rào" vì cái chung nhưng thành quả chưa đạt như mong muốn, thậm chí có tổn thất nhất định.

“Khi đánh giá những kết quả đạt được hoặc chưa đạt được trong sáng tạo của một người hay nhóm người hoặc của tổ chức thì phải hết sức khách quan, trung thực, toàn diện, không nể nang, né tránh, không bị mua chuộc, không bị tình cảm cá nhân hoặc vấn đề khác chi phối” – ông Thắng nói.

Cũng theo ông Thắng, để bảo vệ cho những cán bộ dám "xé rào" thì những người đứng đầu cấp ủy, đứng đầu các cơ quan, đơn vị phải là những người nâng đỡ cho sự đổi mới, sáng tạo. Còn người đứng đầu chỉ lo giữ mình cho an toàn thì đổi mới, sáng tạo của cán bộ cấp dưới sẽ không được phát huy.

“Để nâng cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung khi xây dựng quy định cũng phải có sự ràng buộc. Ví dụ, khi xem xét đánh giá thi đua hàng năm thì phải xem cấp ủy tại cơ quan đó, người đứng đầu tại cơ quan đó xem người đứng đầu đã chắp cánh cho bao nhiêu trường hợp đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung” – ông Thắng nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn