MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dự án mở rộng đường Đồng Văn Cống (TP.Thủ Đức, TPHCM) có hiện tượng thi công cầm chừng. Ảnh: Minh Quân

TPHCM mới giải ngân được 29% vốn đầu tư công, 100 dự án giải ngân 0 đồng

Huyên Nguyễn - Minh Quân LDO | 24/08/2022 13:07

TPHCM - Chậm giải ngân vốn đầu tư công, nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp khắc phục là nội dung được đưa ra tại phiên họp giải trình về kết quả thực hiện pháp luật đầu tư công trên địa bàn thành phố của Thường trực Hội đồng Nhân dân (HĐND) TPHCM đối với UBND thành phố sáng 24.8.

“Vốn chờ dự án đủ thủ tục”

Tại phiên họp, bà Nguyễn Thị Lệ - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP cho biết giai đoạn 2016-2020, TPHCM thực hiện đầu tư 1.799 dự án, trong đó có 521 dự án chuyển tiếp, 1.278 dự án khởi công mới. Trong giai đoạn này, có 780 dự án được đầu tư hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng, đã tác động sâu sắc đến nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội của người dân TPHCM, góp phần giải quyết những yêu cầu bức thiết. Tổng mức vốn giải ngân giai đoạn 2016 - 2020 là hơn 119.174 tỉ đồng (đạt 86,06% so với kế hoạch vốn được giao).

Dù vậy, bà Lệ nhận xét, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đầu tư công trên địa bàn TPHCM cũng còn những khó khăn, vướng mắc và hạn chế. Đó là công tác bồi thường giải phóng mặt bằng nhiều dự án còn chậm, kéo dài ảnh hưởng đến tiến độ bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư để tiến hành thi công.

Bà Nguyễn Thị Lệ - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM phát biểu khai mạc. Ảnh: Huyên Nguyễn

Công tác phối hợp trong giải ngân đầu tư công và triển khai thực hiện dự án còn hạn chế, còn bị động trong huy động các nguồn lực khác và sự tham gia của các thành phần kinh tế (thông qua hình thức hợp tác công tư) để bổ sung, hỗ trợ cho cho đầu tư công. Các dự án sử dụng vốn hợp tác phát triển chính thức (ODA) đang triển khai thực hiện đầu tư chậm tiến độ phải gia hạn thời gian thực hiện, điều chỉnh tổng mức đầu tư…

Ông Lê Trương Hải Hiếu – Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND TPHCM chỉ ra tình hình giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 còn chậm; trong đó còn 100 dự án giải ngân 0 đồng. Từ tình hình như trên, Ban Kinh tế ngân sách đề nghị UBND TP giải trình 8 nội dung, như: công tác lập kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước có tình trạng chưa sát với khả năng thực hiện, dẫn đến không phân bổ được hết kế hoạch vốn được giao, còn tình trạng “vốn chờ dự án đủ thủ tục"...

Bên cạnh đó, kế hoạch vốn đầu tư công hằng năm từ nguồn vốn ngân sách còn giao chậm, công tác thẩm tra quyết toán vốn đầu tư một số dự án còn chậm…

Nêu rõ trách nhiệm cá nhân, tổ chức liên quan

Liên quan về chậm giải ngân vốn, theo Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ, năm 2022 là năm thứ hai triển khai Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 được HĐND TPHCM thông qua là gần 35.517 tỉ đồng; UBND TPHCM đã giao kế hoạch vốn là hơn 29.464 tỉ đồng, đạt 82,95%. Tuy nhiên, tính đến ngày 12.8, TPHCM mới giải ngân đạt tỉ lệ 29% so với tổng kế hoạch vốn được giao.

Nhiều công trình trọng điểm trên địa bàn TPHCM có tiến độ giải ngân chậm; công tác bồi thường giải phóng mặt bằng nhiều dự án còn chậm, kéo dài ảnh hưởng đến tiến độ bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư để tiến hành thi công.

Công tác phối hợp giữa các sở ngành, quận huyện, các đơn vị chủ đầu tư trong việc lập, thẩm định, trình phê duyệt dự án và tổ chức thực hiện dự án đầu tư chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ. Tình trạng điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư dự án chưa được khắc phục như hiện có 16 dự án UBND TPHCM đã trình HĐND TPHCM (khóa X) tại kỳ họp thứ 6 thông qua việc điều chỉnh chủ trương đầu tư, trong đó có tăng tổng mức đầu tư dự án.

Một số dự án PPP đang thực hiện còn dở dang, chưa được xử lý dứt điểm các vướng mắc để dự án hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng. Nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc liên quan lĩnh vực đầu tư công khi thực hiện mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM chưa được tháo gỡ kịp thời.

Các đại biểu dự phiên giải trình.

“Phiên giải trình lần này cũng là dịp để HĐND TPHCM và UBND TPHCM đánh giá lại kết quả thực hiện pháp luật về đầu tư công trên địa bàn Thành phố trong thời gian từ khi Luật Đầu tư công năm 2019 có hiệu lực kể từ 1.1.2020 và sau khi HĐND TPHCM thông qua Nghị quyết số 99 về ban hành kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Cùng với đó là những vấn đề có liên quan lĩnh vực đầu tư công khi thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM theo Nghị quyết số 131 Quốc hội và Nghị định số 33 của Chính phủ”, bà Lệ nhấn mạnh.

Đồng thời, Chủ tịch HĐND TPHCM khẳng định, thông qua hoạt động giải trình để các sở, ban, ngành, cơ quan chức năng của TPHCM, UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức, các đơn vị chủ đầu tư dự án thấy rõ hơn trách nhiệm của mình trong việc thực hiện pháp luật về đầu tư công trên địa bàn. Qua đó tìm ra các giải pháp, cơ chế nhằm nâng cao hiệu quả công tác đầu tư công, phát huy hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công trên địa bàn TPHCM trong thời gian tới. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn