MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu tại điểm cầu TPHCM. Ảnh: Nhật Bắc/VGP

TPHCM xem xét trách nhiệm người đứng đầu giải ngân đầu tư công chậm

PHẠM ĐÔNG LDO | 21/02/2023 11:52

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, thành phố đã tiến hành xem xét trách nhiệm người đứng đầu các tổ chức còn triển khai chậm giải ngân vốn đầu tư công. Năm 2023, TPHCM được phân bổ vốn là 70.000 tỉ đồng, tăng gần gấp đôi so với năm 2022. 

Sáng 21.2, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 và thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, năm 2022, TPHCM được giao vốn 54.000 tỉ nhưng khả năng cân đối của thành phố là 37.000 tỉ.

Tuy nhiên, đến ngày 31.1.2023 mới giải ngân được 71,3%, tương đương 26.636 tỉ đồng. Tuy không đạt mục tiêu là 95% nhưng có tăng so với năm 2021 là 6.900 tỉ đồng, tăng 35%.

Lần họp trước, TPHCM đã báo cáo và nhận trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ. TPHCM đã tiến hành xem xét trách nhiệm các đồng chí đứng đầu các tổ chức còn triển khai chậm.

Năm 2023, rút kinh nghiệm của năm 2022, TPHCM được phân bổ vốn là 70.000 tỉ đồng, tăng gần gấp đôi so với năm 2022. Trong đó có 16.500 tỉ đồng vốn của Trung ương, 55.200 tỉ vốn của địa phương.

Đến nay, TPHCM đã phân bổ xong 100% vốn Trung ương, vốn địa phương có một số hồ sơ dự án chưa hoàn thiện, còn 26.000 tỉ đồng.

Về công tác GPMB dự án Vành đai 3, dự kiến đến ngày 15.6.2023 sẽ bàn giao 80% mặt bằng cho nhà đầu tư, khởi công dự án này kịp trong tháng 6.2023.

Hà Nội đề nghị đẩy mạnh phân cấp, phân quyền để đẩy nhanh tiến độ đầu tư công. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Còn Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, tháng 9.2022 Hà Nội mới giải ngân chưa được 50%, khi đó Thủ tướng đã có đoàn công tác trực tiếp làm việc với TP Hà Nội.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của đoàn công tác của Thủ tướng, TP Hà Nội đã chủ động tích cực nhận diện các khó khăn, vướng mắc để tháo gỡ, tập trung về trách nhiệm, giá cả.

Nêu rất nhiều khó khăn về kĩ thuật, quy trình dự án, phân cấp phân quyền, lãnh đạo Hà Nội đề nghị trong bối cảnh pháp luật chưa kịp sửa có việc gì ủy quyền được cho địa phương, ủy quyền cho các bộ trưởng thì có một Nghị quyết của Chính phủ, của Quốc hội phân cấp phân quyền cho địa phương.

"Hiện giờ một dự án "thông được đầu này thì bị chặn hết các đầu khác", chặn về đất đai, về môi trường… mỗi dự án chỉ cần chậm 1-2 tháng thôi thì không thể thực hiện đồng thời được.

Mong Thủ tướng cho rà soát lại, phân cấp ủy quyền mạnh về việc này để giảm tình trạng "phải ngồi đôn đốc nhau" như thế này" - ông Trần Sỹ Thanh nói.

Về vấn đề liên quan đến Luật Đầu tư công, ông Thanh cho rằng, không chỉ riêng Hà Nội mà các tỉnh thành khác cũng đang vướng đó là câu chuyện phải có đủ vốn mới được xây dựng kế hoạch đầu tư.

Hà Nội nhiệm kỳ này có 25.000 tỉ vốn đầu tư công, với số tiền này Hà Nội chỉ bố trí cho 5-7 công trình đã hết số tiền này mà cũng phải làm trong ít nhất 2 nhiệm kỳ.

Đây chính là câu chuyện nhiệm kỳ ảnh hưởng đến việc bố trí vốn đầu tư công mà Hội đồng nhân dân không thể tháo gỡ được, cứ tháo gỡ là sai luật.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Trương Hải Long, năm 2022, tỉnh Gia Lai được Thủ tướng Chính phủ giao là 3.300 tỉ. Tỷ lệ vốn giải ngân đầu tư công của tỉnh đến nay là được 76,29% kế hoạch được giao.

Do đó, tỉnh đã có một số giải pháp quyết liệt như kịp thời xử lý các dự án, các nhà đầu tư còn chậm so với tiến độ. Đồng thời, kết quả triển khai giải ngân vốn đầu tư công của các chủ đầu tư sẽ được đưa vào việc đánh giá xếp loại hằng năm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn