MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân thực hiện giải quyết thủ tục hành chính tại công sở ở Hà Nội. Ảnh: Hải Nguyễn

Trả lương theo vị trí việc làm phù hợp với lộ trình cải cách tiền lương

Vương Trần LDO | 15/02/2024 16:16

Xây dựng vị trí việc làm cán bộ, công chức, viên chức là nhiệm vụ, giải pháp quan trọng, có ý nghĩa quyết định cho việc thực hiện cải cách chính sách tiền lương, tiến tới trả lương theo vị trí việc làm.

Xây dựng vị trí việc làm gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức theo vị trí việc làm là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Bộ Nội vụ xác định trong năm 2024 và thời gian tới.

Theo Bộ Nội vụ, việc xác định vị trí việc làm (VTVL) trong các cơ quan, tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập là nhiệm vụ, giải pháp quan trọng, có ý nghĩa quyết định cho việc cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và từng bước thực hiện lộ trình cải cách chính sách tiền lương, tiến tới trả lương theo VTVL theo yêu cầu của Nghị quyết số 26-NQ/TW, Nghị quyết số 27-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7 khoá XII.

Ngày 15.2, theo tìm hiểu của PV Lao Động, Vụ Tổ chức - Biên chế (Bộ Nội vụ) thông tin, mục tiêu trong thời gian tới đó là tiếp tục tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế về xây dựng và quản lý VTVL trong hệ thống chính trị theo quy định Đảng, Quốc hội và của Chính phủ, hướng dẫn của Bộ quản lý ngành, lĩnh vực;

Gắn việc phê duyệt VTVL trong các cơ quan, tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và thực hiện tinh giản biên chế công chức và giảm biên chế viên chức hưởng lương ngân sách nhà nước;

Đổi mới công tác tuyển dụng, quản lý, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá công chức, viên chức theo VTVL gắn với kết quả sản phẩm đầu ra và thực hiện trả lương theo VTVL phù hợp với lộ trình cải cách chính sách tiền lương.

Về các nhiệm vụ, giải pháp, Vụ Tổ chức - Biên chế cho biết có 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chính đó là:

Một là, tiếp tục quát triệt các chủ trương, yêu cầu của việc xây dựng, quản lý VTVL theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, coi việc xây dựng và phê duyệt VTVL trong các cơ quan, tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý là nhiệm vụ chính trị quan trọng cần hoàn thành để thực hiện việc trả lương theo VTVL đã được thông qua tại Nghị quyết Trung ương 8 khóa XIII và Nghị quyết của Quốc hội khóa XV về tiếp tục thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa 15 và từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn.

Hai là, cơ quan đầu mối các khối theo phân công có trách nhiệm tổng hợp kết quả xây dựng VTVL, gửi Ban Tổ chức Trung ương để tổng hợp, báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế về VTVL trong hệ thống chính trị.

Ba là, tiếp tục rà soát, điều chỉnh và sửa đổi, bổ sung kịp thời các quy định hướng dẫn VTVL theo ngành, lĩnh vực; đồng thời, kịp thời, giải đáp, hướng dẫn để các bộ, ngành, địa phương triển khai, bảo đảm tính thống nhất, liên thông, đồng bộ trong hệ thống chính trị.

Bốn là, khẩn trương hoàn thành việc xây dựng Đề án VTVL và phê duyệt VTVL gắn với cơ cấu công chức, cơ cấu viên chức theo VTVL trong cơ quan, tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập trong Quý I/2024.

Năm là, trên cơ sở Đề án VTVL được phê duyệt, các cơ quan, tổ chức, đơn vị từng bước thực hiện cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo VTVL gắn với thực hiện tinh giản biên chế công chức và giảm biên chế viên chức hưởng lương ngân sách nhà nước; thực hiện tuyển dụng, quản lý, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá công chức, viên chức theo VTVL gắn với kết quả sản phẩm đầu ra và thực hiện trả lương theo VTVL phù hợp với lộ trình cải cách chính sách tiền lương.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn