MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tắc đường tại Hà Nội. Ảnh Trần Vương

Tranh luận sôi nổi quanh chuyện cấm xe máy đi vào nội đô

Vương Trần LDO | 17/06/2017 10:47
Khá nhiều ý kiến băn khoăn, tranh luận về công tác tăng cường quản lý phương tiện nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn Hà Nội. Nhiều chuyên gia đặt câu hỏi về việc “Cấm xe máy vào nội đô, người dân sẽ đi lại bằng phương tiện gì?”, cũng như giải pháp về giao thông cho người dân trong thời gian tới.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội vừa tổ chức hội nghị phản biện dự thảo Nghị quyết của HĐND TP về tăng cường quản lý phương tiện nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn, giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn 2030 hôm 16.6. Hội nghị thu hút sự quan tâm và chú ý của đông đảo người dân.

Theo đó, Hà Nội sẽ đưa quy định tiêu chuẩn khí thải đối với xe máy, cấm các loại xe cũ nát hoạt động, đặc biệt là lên lộ trình cấm xe máy trong nội đô vào năm 2030.

Thảo luận tại hội nghị, ông Vũ Văn Viện - Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho hay, từ năm 2015 đến nay, đơn vị này được giao nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng đề án. Đến nay, thành phố đang đưa Nghị định ra lấy ý kiến chuyên gia, nhà khoa học và nhân dân. Theo đó, việc thu hồi xe máy cũ theo Quyết định 49 (ngày 1/9/2011) của Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với xe máy. Về căn cứ cấm xe máy tại khu vực nội thành vào năm 2030, ông Viện lý giải thẩm quyền tổ chức giao thông là của Chủ tịch UBND TP Hà Nội theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật Giao thông đường bộ.

Tuy nhiên, khá nhiều ý kiến băn khoăn liên quan đến việc cấm xe máy hoạt động trong nội thành. “Nếu cấm xe máy vào nội thành thì người dân đi xe máy từ nội thành ra ngoại thành thế nào?” - Chủ tịch Hội luật gia TP Hà Nội Nguyễn Hồng Tuyến đặt câu hỏi.

Khá nhiều ý kiến tranh luận quanh chuyện Hà Nội có thể sẽ cấm xe máy vào trong nội đô. Trong ảnh, đường tắc do quá nhiều phương tiện cá nhân tham giao thông tại Hà Nội. Ảnh Trần Vương.

Theo chuyên gia giao thông Trần Thị Kim Đăng (trường Đại học GTVT): “Hiện các điểm nút giao thông công cộng, nhà chờ xe buýt trên địa bàn thành phố phân bố rất xa nơi người dân ở. Trong khi thói quen của người dân hiện nay chủ yếu là sử dụng các phương tiện cá nhân. Do đó Hà Nội cần phải tính việc phát triển giao thông công cộng, phân bố điểm nút, nhà chờ giao thông hợp lý. Đặc biệt, cơ quan chức năng cần khảo sát, điều tra đầy đủ về thực trạng giao thông của thành phố, từ đó đưa ra lộ trình cụ thể. Giả sử nếu có cấm xe máy, phải có giao thông công cộng thay thế chứ không thể nói cấm thì anh phải đi bộ”.

Đối với lộ trình dừng hoạt động xe máy tại nội thành vào năm 2030, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Tô Anh Tuấn nhận định, đây là việc quá nóng vội. Theo ông Tuấn, kế hoạch dừng hoạt động xe máy tại nội thành không thể gắn với một năm cụ thể mà phải gắn với kết quả phát triển của giao thông công cộng đến mức nào, gắn với kết quả đạt được về hạ tầng giao thông. Do vậy, theo ông Tuấn, kế hoạch cấm xe máy vào năm 2030 là không có cơ sở.

Theo ông Tuấn, thành phố phải đưa vào nghị quyết giải pháp tập trung phát triển giao thông công cộng, sau đó mới đề cập đến việc hạn chế xe cá nhân, tiến tới cấm xe máy. Một điểm rất quan trọng là giải pháp nào để phát triển vận tải công cộng chứ không phải cấm đoán nhiều. Ông Tuấn đề nghị nội dung cấm xe máy tại nội đô nên xây dựng một đề án riêng để nghiên cứu thật kỹ càng, trong đó phải trả lời được câu hỏi “cấm xe máy thì người dân đi phương tiện gì?”.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng khẳng định, mục tiêu xuyên suốt của kế hoạch là nhằm phát triển kinh tế xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Đây là quyết định để chăm lo cuộc sống bền vững của người dân Thủ đô… Các kế hoạch, giải pháp phải hướng tới cho đông đảo nhân dân chứ không phải chỉ thiểu số một số người.

 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn