MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại biểu Vũ Xuân Hùng (Thanh Hóa). Ảnh: Q.H

Tránh “mật hóa” văn bản để bưng bít thông tin

THÀNH HẢI LDO | 22/11/2017 11:00
Sáng nay (22.11), theo chương trình kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về dự án Luật Bảo vệ bí mật nhà nước. Cho ý kiến về dự án Luật Bảo vệ bí mật nhà nước (BMNN) nhiều đại biểu cho rằng, cần nghiên cứu kỹ quy định danh mục bí mật nhà nước cần bảo vệ để tránh tình trạng lợi dụng quy định để “mật hóa” văn bản để bưng bít thông tin, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.

Phát hiện hơn 840 vụ lộ, mất bí mật nhà nước

Theo báo cáo của cơ quan soạn thảo, từ năm 2001 đến nay, đã phát hiện hơn 840 vụ lộ, mất BMNN, trong đó có nhiều tài liệu thuộc danh mục tuyệt mật, tối mật liên quan đến đường lối, chủ trương, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước; chủ trương giải quyết các tranh chấp về biên giới, biển đảo. Những nguyên nhân của việc lộ, mất BMNN là do hệ thống pháp luật về bảo vệ BMNN còn chưa đồng bộ, các chế tài xử lý còn thiếu và yếu, chưa bảo đảm tính răn đe; việc xử lý vi phạm còn nể nang, thiếu chủ động.

Tại dự thảo Luật Bảo vệ BMNN, Bộ Công an đã làm rõ khái niệm BMNN là thông tin có nội dung quan trọng thuộc lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế, khoa học, công nghệ và các lĩnh vực khác chưa công khai. Nếu bị lộ, mất BMNN có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc. Trên cơ sở đó, Bộ Công an đề xuất quy định cụ thể thời hạn bảo vệ BMNN theo 3 cấp độ: tuyệt mật là 30 năm, tối mật là 20 năm, mật là 10 năm.

Theo Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội, trên thực tế, việc tổ chức các cuộc họp, hội nghị, hội thảo có sử dụng, trao đổi thông tin BMNN chưa được kiểm soát chặt chẽ về địa điểm tổ chức, thành phần, đối tượng tham dự, phương tiện, thiết bị bảo đảm an toàn, dẫn đến nguy cơ lộ, mất BMNN. Vì vậy, cần nghiên cứu bổ sung quy định về hội nghị, hội thảo, cuộc họp có nội dung BMNN nhằm hạn chế tối đa việc lộ, mất thông tin BMNN qua các hoạt động này.

Cho ý kiến vào dự án luật, đại biểu Vũ Xuân Hùng (Thanh Hoá) cho rằng thực tiễn lộ lọt BMNN, quốc gia, quốc phòng an ninh diễn ra khá phổ biến. Do đó, việc xây dựng luật là cần thiết. Ông Hùng cho rằng, hiện nay do hạn chế nhận thức về bảo vệ BMNN và do nhiều lý do khác nhau nên có tình trạng cá nhân, tổ chức tuỳ tiện mang tài liệu bí mật ra ngoài.

Tuy nhiên, ông cũng đề nghị nghiên cứu kỹ lưỡng quy định danh mục BMNN cần bảo vệ để tránh tình trạng lợi dụng quy định để gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, tăng thêm thủ tục hành chính hay “mật hoá” văn bản để bưng bít thông tin.

Ông Hùng băn khoăn khi dự thảo giao Chủ tịch UBND tỉnh, thành lập danh mục BMNN. Bởi, với 63 tỉnh, thành thì có thể xảy ra tình trạng cùng một danh mục nhưng độ mật lại khác nhau tuỳ thuộc đánh giá của mỗi địa phương, như nơi này “Mật” nhưng nơi kia lại “Tối mật” gây nên sự không thống nhất.

“Nếu quy định như thế thì dễ lợi dụng bưng bít thông tin, không phổ biến thông tin vì mục đích riêng. Đặc biệt với những vấn đề nhạy cảm như đất đai, tài nguyên, khoáng sản có khi gây bất lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân. Do đó, để đảm bảo danh mục thống nhất thì nên quy định theo ngành dọc, tức các bộ ngành trung ương đến địa phương để đồng nhất hơn” - ông Hùng nói.

Đồng quan điểm trên, đại biểu Dương Ngọc Hải (TPHCM) cho rằng nhiều khái niệm trong dự thảo luật còn khá định tính, phạm vi “mật” còn quá rộng, dẫn đến việc lẽ ra nhiều thông tin có thể cung cấp rộng rãi nhưng lại đóng dấu “Mật”.

Tự chúng ta làm lộ bí mật của chúng ta

Còn đại biểu Bùi Đặng Dũng (Kiên Giang) cho rằng, vấn đề lộ BMNN và bị hạn chế thông tin BMNN là 2 góc độ hiện nay phải hết sức lưu ý. Dẫn chứng ngay tại nơi công tác là Ủy ban Tài chính ngân sách, ông Dũng cho hay: Bất cứ một tài liệu nào liên quan đến tài chính ngân sách đưa ra đều cộp dấu mật, tuy nhiên “cứ theo dấu mật mà 10 năm sau mới giải thì cái mật đó giữ đến bao giờ?. Trong khi các quốc gia khác liên quan tài chính ngân sách là công khai trên mạng, mọi người dân vào mạng đều biết. Hiện đang có tình trạng lạm dụng “mật” để hạn chế thông tin.

Theo ông Dũng, dự Luật Bảo vệ bí mật nhà nước phải quy định rõ khái niệm “bí mật” như thế nào. Ông Dũng cho rằng, hiện nay có hiện tượng xem nhẹ, chủ quan dẫn đến phát biểu tại hội nghị, trong bài viết, trao đổi tại hội thảo, trò chuyện giữa người thân với nhau làm lộ BMNN.

Ông Dũng dẫn chứng việc làm lộ thông tin bí mật có thể từ các thư ký, lái xe, các quán trà vỉa hè. “Mỗi một kỳ đại hội, muốn nắm thông tin ra quán trà vỉa hè ngồi hỏi một lúc là người ta nói, người này sẽ làm vị trí này, người kia sẽ làm vị trí kia, mà nói lại trúng. Rõ ràng về mặt tổ chức nhân sự là có chuyện lộ BMNN, lộ ở đâu ra? Tự chúng ta làm lộ bí mật của chúng ta ra. Luật này có điều chỉnh những cái đó hay không?” - ông Dũng nói.

Phát biểu tại buổi thảo luận ở tổ mới đây, Thượng tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an - cho rằng, những gì liên quan đến lợi ích quốc gia chưa công khai thì phải bảo mật. Có thể những vấn đề hôm nay là bí mật quốc gia nhưng ngày mai không phải vì đã được xử lý. “Quan trọng là mọi người dân đều hiểu ranh giới đó để vận dụng vào thực tiễn, tránh trường hợp không biết đâu là bí mật cần phải bảo vệ, đâu là vi phạm cần phải tránh” - Bộ trưởng Bộ Công an nói.

Theo Bộ trưởng Tô Lâm, Việt Nam đang trong quá trình công khai, minh bạch, mọi người dân phải được biết, được làm chủ, tiếp cận thông tin. Vì vậy phải làm sao hài hoà, đưa ra thông tin Nhà nước phục vụ sự phát triển và phục vụ cuộc sống của người dân, hoạt động của Nhà nước phải được nhân dân giám sát. “Nếu tất cả đưa vào BMNN hết thì không có tác dụng gì để minh bạch thông tin, quản lý và huy động được sự đóng góp của người dân đối với quản lý xã hội” - Bộ trưởng Công an nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn