MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại biểu quốc hội Bùi Văn Xuyền - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Ảnh: Q.H

Tránh việc kê khai hình thức, tẩu tán tài sản

VƯƠNG TRẦN LDO | 25/02/2020 11:31
Người chậm nộp bản kê khai tài sản, thu nhập mà không có lý do chính đáng thì có thể bị xử lý kỷ luật như áp dụng hình thức kỷ luật khiển trách đối với người chậm nộp trên 15 ngày tới 30 ngày. Đặc biệt, người vi phạm có thể bị áp dụng hình thức kỷ luật buộc thôi việc đối với người chậm nộp trên 45 ngày.

Kê khai thiếu trung thực sẽ bị phạt rất nặng

Theo dự thảo Nghị định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mà Thanh tra Chính phủ đưa ra lấy ý kiến, tới đây, sẽ tăng biện pháp kiểm soát tài sản của cán bộ, công chức. Theo đó, dự thảo quy định, lập các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập tại các bộ, ngành, địa phương. Dự thảo Nghị định cũng đưa ra biện pháp tăng nặng chế tài xử lý hành vi không trung thực hoặc cản trở, chống đối cơ quan có thẩm quyền. Đặc biệt là bổ sung chế tài buộc thôi việc đối với người chậm kê khai tài sản, thu nhập quá 45 ngày không có lý do chính đáng.

Theo TS Đinh Văn Minh - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Thanh tra Chính phủ) - để tránh việc kê khai hình thức, trốn tránh, không trung thực, thậm chí cả chuyện tẩu tán tài sản, Dự thảo Nghị định đưa ra biện pháp về hình thành cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập. Cùng với Thanh tra Chính phủ, một số cơ quan nữa sẽ được giao việc này, và cơ quan đó sẽ phải cơ cấu lại tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, bố trí nguồn nhân lực, các điều kiện cần thiết để thực hiện việc kiểm soát tài sản thu nhập.

Theo Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Dự thảo Nghị định còn nhấn mạnh đến quyền kiểm tra, xác minh, thậm chí xác minh ngẫu nhiên của cơ quan chuyên trách. Quy định này sẽ khiến người kê khai phải thấy rằng, nếu họ không trung thực, nguy cơ bị phát hiện là rất lớn, khi đó ý định che giấu cũng sẽ giảm đi. “Một khi sự thiếu trung thực bị phát hiện, hình thức xử phạt với người thiếu trung thực rất nặng. Đối với cán bộ công chức có thể bị buộc thôi việc. Lãnh đạo có thể bị bãi nhiệm, miễn nhiệm, cách chức” - ông Minh nói và cho rằng, “hình thức nghiêm khắc như thế có tính chất răn đe rất lớn.

Trao đổi với PV Lao Động, TS Cung Phi Hùng - Phó Viện trưởng Viện chiến lược và Khoa học thanh tra (Thanh tra Chính phủ) cho rằng: Dự thảo Nghị định lần này có những điểm mới để thực hiện việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị. Tuy nhiên, theo ông, để việc kiểm soát tài sản đi vào thực chất, đi vào cái gốc của vấn đề là phòng ngừa tham nhũng còn nhiều vấn đề cần phải bàn đến.

Nói về việc công khai Bản kê tài sản thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức bằng hình thức niêm yết tại trụ sở, cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người có nghĩa vụ kê khai thường xuyên đến làm việc, ông Hùng cho rằng, đây cũng là một kênh nhằm tăng tính công khai và khả năng giám sát của mọi người. Tuy nhiên, việc này nếu được công khai dữ liệu lên một trang điện tử chuyên về kiểm soát tài sản thu nhập thì mọi người có thể truy cập được một cách dễ dàng, minh bạch và tiện trong việc tra cứu hơn nhiều lần. 

Cần phải thiết lập cơ sở quốc gia về kiểm soát tài sản

Cũng theo TS Cung Phi Hùng, điều quan trọng nhất vẫn là việc phòng ngừa tham nhũng, kiểm soát được tài sản thu nhập thì cần phải có một cơ sở dữ liệu tích hợp giữa kê khai tài sản thu nhập với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu quốc gia khác thì mới có thể kiểm soát được việc kê khai trung thực. “Ví dụ khi có biến động tài sản, biến động số dư, biến động về bất động sản đều được tích hợp trên cơ sở dữ liệu này thì muốn kê khai không trung thực cũng khó và dễ dàng tra cứu, đối sánh phục vụ cho công tác kiểm tra, thanh tra” - TS Cung Phi Hùng nhấn mạnh.

Đại biểu quốc hội Bùi Văn Xuyền - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội - cho rằng:  “Việc kê khai tài sản là một bước để nắm tài sản của những đối tượng quản lý. Đồng thời đây cũng là cơ sở để có thể phát hiện những tài sản bất thường. Khi có quy định rõ ràng thì việc hướng dẫn, công khai và kiểm soát kê khai tài sản của cán bộ, công nhân, viên chức thì có thể thanh tra, kiểm tra được việc kê khai đó có đúng không. Một khi sự thiếu trung thực bị phát hiện, hình thức xử phạt với người thiếu trung thực rất nặng. Đối với cán bộ công chức có thể bị buộc thôi việc. Lãnh đạo có thể bị bãi nhiệm, miễn nhiệm, cách chức. 

TS Đinh Văn Minh - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Thanh tra Chính phủ) - theo Dự thảo Nghị định, Thanh tra Chính phủ sẽ kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ từ giám đốc sở trở lên (tương đương hệ số phụ cấp từ 0,9 trở lên). Cơ quan này không chỉ làm nhiệm vụ theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc kê khai tài sản, thu nhập, mà còn có trách nhiệm đánh giá, phân tích bản kê khai, phát hiện bất thường; từ những thông tin, phản ánh của báo chí về dấu hiệu không trung thực, kê khai không hết thì cơ quan này có trách nhiệm xác minh, thẩm tra ban đầu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn