MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại biểu Trần Khánh Thu (Đoàn ĐBQH Thái Bình). Ảnh: Quốc hội.

Tránh xử lý oan sai đối với người sử dụng dao sinh hoạt tại gia đình

NHÓM PV LDO | 03/06/2024 15:21

Đại biểu Trần Khánh Thu (Đoàn ĐBQH Thái Bình) đề nghị Bộ Công an phải có thông tư quy định cụ thể để tránh xử lý oan sai đối với các trường hợp sử dụng dao vào mục đích lao động, sản xuất, sinh hoạt tại gia đình.

Ngày 3.6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi).

Tại buổi thảo luận, đại biểu Nguyễn Việt Hà (Đoàn ĐBQH Tuyên Quang) cùng nhiều đại biểu đề nghị bổ sung dao có tính sát thương cao là vũ khí thô sơ.

Lý do, qua báo cáo tổng kết 5 năm thi hành luật cho thấy, trong tổng số 28.715 vụ sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ gây án giết người, cướp tài sản, cố ý gây thương tích, chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng… thì có đến 25.378 vụ (chiếm 88,4%) đối tượng sử dụng vũ khí thô sơ, dao và phương tiện tương tự dao gây án.

Riêng đối tượng sử dụng các loại dao gây án là 16.841/25.378 vụ (chiếm 66,4%), nhiều vụ đối tượng sử dụng dao nhọn, sắc có tính sát thương rất cao (dao bầu, dao phay, dao quắm…) giết người với tình tiết rất manh động gây bức xúc, hoang mang trong dư luận xã hội.

Do đó, đại biểu này đề nghị, cần bổ sung vào dự thảo luật việc dao có tính sát thương cao là vũ khí thô sơ, đồng thời để tránh vướng mắc trong thực tế khi loại dao này được sử dụng với mục đích sinh hoạt nên quy định không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật là phù hợp.

Phát biểu ý kiến, đại biểu Trần Khánh Thu (Đoàn ĐBQH Thái Bình) cơ bản nhất trí với về việc bổ sung dao có tính sát thương cao là vũ khí thô sơ trong dự thảo luật. Khi bổ sung dao có tính sát thương cao sẽ hạn chế việc sử dụng dao vào mục đích gây hại, góp phần giảm thiểu các hành vi bạo lực phạm tội.

Đồng thời, việc quản lý góp phần nâng cao ý thức của người dân về sự nguy hiểm của dao, khuyến khích sử dụng dao an toàn, có trách nhiệm. Tuy nhiên dao có tính sát thương cao sử dụng vào mục đích lao động, sản xuất, sinh hoạt thì không thuộc phạm vi điều chỉnh.

Do đó, đại biểu này đề nghị, Bộ Công an phải có thông tư quy định cụ thể để tránh xử lý oan sai đối với các trường hợp sử dụng dao vào mục đích lao động, sản xuất, sinh hoạt tại gia đình.

Ngoài ra, cần phân định cụ thể các loại dao được xếp vào nhóm vũ khí thô sơ dựa trên tiêu chí như độ sắc bén, kích thước, sát thương cao thuộc danh mục do Bộ Công an ban hành và cần có quy định rõ về các hành vi vi phạm.

Cũng về vấn đề này, tại phiên thảo luận, đại biểu Đồng Ngọc Ba (Đoàn ĐBQH Bình Định) nhấn mạnh, phạm vi phân loại vũ khí quân dụng là điểm mới rất lớn của luật. Cụ thể, có mở rộng phạm vi với trường hợp dao có tính sát thương cao?.

Theo đại biểu Đồng Ngọc Ba, về thực tiễn, cần biện pháp mạnh để răn đe, trừng trị đối tượng dùng dao sát thương cao trong vụ án hình sự, nhưng cần làm rõ, lấy ý kiến thẩm định.

"Báo cáo của cơ quan soạn thảo lập luận chưa rõ. Chúng ta không đi vào bản chất, tính năng vũ khí mà căn cứ vào mục đích của đối tượng thực hiện hành vi thì rất khó trong thực tiễn" - đại biểu Đồng Ngọc Ba nhấn mạnh.

Theo đại biểu này, cần quan tâm, nếu đi theo hướng này cần biện pháp có tính khả thi để lực lượng chức năng không làm oan sai người chế tạo, vận chuyển, sử dụng dao có tính sát thương cao.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn