MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam Ninh Thị Hồng. Ảnh: L.Đ

Trẻ em bị bạo hành: Trách nhiệm lãnh đạo địa phương ở đâu?

phạm đông LDO | 20/12/2019 07:24
Liên tiếp xảy ra các vụ bạo hành trẻ em, nhưng theo Phó Chủ tịch thường trực Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam Ninh Thị Hồng, hiện, công tác bảo vệ trẻ em chưa được các cấp chính quyền địa phương quan tâm đúng mức; việc giáo dục, tuyên truyền pháp luật chưa được coi trọng; trách nhiệm thực hiện của các cấp, ngành liên quan còn thiếu sự phối hợp đồng bộ.

Những vụ bạo hành trẻ em gây phẫn nộ

Ngày 16.12, Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam đã có công văn gửi Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) tiến hành điều tra, khởi tố vụ án hình sự đối với hành vi “Cố ý gây thương tích đối với người dưới 16 tuổi có tính chất côn đồ” liên quan đến vụ bé trai 12 tuổi bị đánh tại khu đô thị Ciputra vừa qua.

Công an TP.Vinh (Nghệ An) cũng đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với bà Nguyễn Thị Doan (47 tuổi, huyện Đô Lương, Nghệ An) để điều tra hành vi hành hạ người khác. Từ hình ảnh camera an ninh và lời khai của bà Doan, công an xác định, bà này đã có hành động hành hạ bé gái 14 tháng tuổi khi đang giúp việc cho một gia đình ở TP.Vinh.

Trước đó, đầu tháng 12, một người cha ở khu phố Thống Nhất 2, phường Dĩ An, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương ép con trai 8 tuổi uống rượu tái mặt mày cũng khiến dư luận bức xúc.

Trao đổi với Lao Động, bà Ninh Thị Hồng - Phó Chủ tịch thường trực Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam - cho biết, pháp luật đã nghiêm cấm mọi hành vi bạo hành trẻ em. Điều 6 của Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em đã nghiêm cấm mọi hành vi lạm dụng về thể chất, tinh thần, tình dục, bóc lột thương mại đối với trẻ em...

Xem xét trách nhiệm của lãnh đạo địa phương

Theo bà Ninh Thị Hồng, về vụ việc bé trai 12 tuổi bị đánh chấn thương sọ não, Hội đã đề nghị cơ quan điều tra xác minh, xử lý nghiêm cá nhân vi phạm. Hội đã đề nghị các ngành Lao động thương binh và xã hội, Cục Trẻ em vào cuộc giúp đỡ nạn nhân. Hội cũng giám sát, lên tiếng bảo vệ quyền lợi của cháu bé.

Nhận định về vai trò của chính quyền địa phương trong việc xử lý và phòng chống bạo lực trẻ em, bà Hồng cho rằng, vai trò của UBND các cấp là rất quan trọng. Trong Luật Trẻ em đã quy định rất rõ Chủ tịch UBND các cấp phải là người chịu trách nhiệm chính trong việc giải quyết những vấn đề này. Một vụ việc xảy ra trên địa bàn thì chính quyền địa phương phải phối hợp với công an vào cuộc xác minh. Ví dụ vụ việc người phụ nữ ở Nghệ An cầm 2 chân cháu bé dốc ngược lên vừa bị khởi tố là rất cần thiết, nhanh chóng. Còn vụ việc người cha ép con trai 8 tuổi uống rượu tái mặt mày ở Bình Dương thì sự vào cuộc của cơ quan chức năng còn chậm, cần có sự thay đổi. 

“Việc xử lý của các cơ quan chức năng có những nơi làm tốt, có những nơi còn làm chậm. Các cơ quan có thẩm quyền cần xem xét trách nhiệm lãnh đạo địa phương nếu chậm xử lý. Do vậy, khi mỗi sự việc xảy ra thì cơ quan công an địa phương và các ngành cũng cần vào cuộc nhanh chóng, xử lý nghiêm. Hội sẽ theo dõi quá trình xử lý, nếu thời gian xử lý kéo dài, xử lý không thỏa đáng thì Hội sẽ tiếp tục lên tiếng” - bà Hồng cho biết.  

Trao đổi với Lao Động, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân cho rằng, để giải quyết tình trạng bạo lực trẻ em, việc giáo dục, tuyên truyền, các giải pháp về mặt pháp luật và chính sách cần vào cuộc và triển khai đồng bộ. Chính quyền địa phương có vai trò rất quan trọng trong việc xử lý và ngăn chặn tình trạng bạo lực. UBND các cấp cần ban hành những chương trình, kế hoạch để phối hợp với các sở, ngành cùng thực hiện...   

Nhiều vụ việc trẻ em bị bạo hành, cơ quan chức năng còn để kéo dài, xử lý chưa thỏa đáng. Hiện nay, công tác bảo vệ trẻ em chưa được các cấp chính quyền địa phương quan tâm đúng mức; việc giáo dục, tuyên truyền pháp luật chưa được coi trọng; trách nhiệm thực hiện của các cấp, ngành liên quan còn thiếu sự phối hợp đồng bộ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn