MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: Phạm Đông

Trên 12.000 chức danh do HĐND cấp huyện bầu được lấy phiếu tín nhiệm

PHẠM ĐÔNG LDO | 25/03/2024 18:47

Năm 2023 đã diễn ra việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do HĐND bầu và phê chuẩn, trong đó bao gồm 1.700 chức danh ở cấp tỉnh, 12.028 chức danh ở cấp huyện.

Những con số kỷ lục, HĐND họp chuyên đề và đột xuất nhiều hơn thường kỳ

Ngày 25.3, tại Hà Nội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức khai mạc Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2023 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2024.

Phát biểu kết luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, khối lượng công tác Hội đồng nhân dân (HĐND) năm qua là rất lớn. HĐND các tỉnh thành đã tổ chức 357 kỳ họp, bình quân một tỉnh thành có hơn 5 kỳ họp mỗi năm. Trong đó, có rất nhiều kỳ họp chuyên đề và kỳ họp bất thường.

Cùng với đó là số lượng nghị quyết cũng ở mức kỷ lục (6.377 nghị quyết được ban hành, bình quân là 193 nghị quyết/tỉnh), cho thấy công tác lập pháp, lập quy của HĐND rất lớn.

Theo Chủ tịch Quốc hội, qua công tác giám sát của HĐND đã phát hiện nhiều vấn đề vướng mắc và bất cập (13.273 vấn đề vướng mắc và bất cập).

Đặc biệt, năm 2023 đã diễn ra việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do HĐND bầu và phê chuẩn. Trong đó bao gồm 1.700 chức danh ở cấp tỉnh, 12.028 chức danh ở cấp huyện, một khối lượng công việc rất lớn.

Trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, HĐND cần tiếp tục bám sát, tranh thủ sự lãnh đạo của cấp ủy đối với tổ chức hoạt động của HĐND nhiều hơn nữa. Đây là nhân tố quyết định đến hoạt động và định hướng của HĐND theo chức năng, nhiệm vụ được giao và "đúng vai, thuộc bài".

Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác HĐND các tỉnh, thành phố. Ảnh: Phạm Đông

Nhiều địa phương mong muốn thí điểm khu kinh tế thương mại tự do

Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu cần tập trung rà soát, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật ở địa phương. Trong đó, HĐND đóng góp nhiều hơn, sát sao và trách nhiệm hơn nữa cho việc xây dựng luật, nghị quyết của Quốc hội, nhất là luật liên quan đến đời sống kinh tế - xã hội ở địa phương.

Chủ tịch Quốc hội lấy ví dụ việc xây dựng nghị quyết để thay thế Nghị quyết số 119/2020/QH14 về mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng... Bên cạnh đó, Luật Thủ đô (sửa đổi) dự kiến cũng được ban hành trong năm nay để áp dụng.

Đáng chú ý, nhiều địa phương cũng mong muốn ban hành nghị quyết thí điểm về khu kinh tế thương mại tự do, điển hình là Bà Rịa - Vũng Tàu (Cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải), Hải Phòng... Riêng TPHCM muốn thí điểm trung tâm tài chính quốc tế.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, Bộ Chính trị vừa họp và cho ý kiến lần 2 đối với đề án tháo gỡ vướng mắc, khó khăn đối với một số dự án ở một số địa phương mà sau khi đã có kết luận thanh tra, điều tra, kiểm toán và có bản án.

Trong đó, Bộ Chính trị đã nhất trí sẽ có một chủ trương cho ban hành một số thể chế, quyết sách chính trị để giải quyết, tháo gỡ vướng mắc trên tinh thần sai phạm phải xử lý nghiêm kể cả về vật chất, con người; không được hợp thức hóa sai phạm nhưng phải tháo gỡ những vướng mắc để khai thác các nguồn lực của cả Nhà nước và nhà đầu tư, người dân.

"Có những việc Quốc hội phải làm, có những việc cấp Chính phủ phải làm và những việc HĐND phải làm", Chủ tịch Quốc hội nói và cho biết, trước mắt sẽ xử lý cho những dự án trên địa bàn Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa... Đây là công việc sẽ làm trong năm nay.

Theo Chủ tịch Quốc hội, nếu giải quyết được những việc trên thì sẽ có kinh nghiệm để giải quyết các việc khác ở những địa phương khác.

Người đứng đầu Quốc hội cũng yêu cầu HĐND các địa phương có kế hoạch triển khai một cách sâu sát đối với các dự án luật: Luật Đất đai 2024, Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Căn cước...

Trong đó, Chủ tịch Quốc hội cho biết, với rất nhiều nội dung cụ thể trong luật đã được giao cho địa phương. Ví dụ đến năm 2026 ban hành bảng giá đất thì phải chuẩn bị từ bây giờ, nếu không sẽ không kịp.

Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu tăng cường công tác dân nguyện tại địa phương, tăng cường tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tổ cáo, đổi mới tiếp xúc cử tri.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý phải quan tâm công tác sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Trong đó phải có chính sách giải quyết lao động dôi dư, đãi ngộ với người đương chức, người nghỉ hưu và người thuộc diện sắp xếp.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các cấp ủy đảng quan tâm quy hoạch đội ngũ cán bộ, đại biểu HĐND các cấp; giới thiệu nhân sự để tiến tới Đại hội Đảng các cấp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn