MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
PGS.TS Vũ Văn Phúc - Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương. Ảnh: Ái Vân

Trị tận gốc căn bệnh chần chừ, sợ sai, ngại trách nhiệm

VƯƠNG TRẦN LDO | 07/10/2023 10:12

Nghị định số 73 của Chính phủ quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung được kỳ vọng sẽ trị căn bệnh chần chừ, sợ sai, ngại trách nhiệm của cán bộ trong thực hiện công vụ.

Cởi bỏ tâm lý không dám làm, không dám chịu trách nhiệm

Sau hơn 1 năm, qua nhiều cuộc hội thảo, lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia, nhà quản lý, theo đề nghị của Bộ Nội vụ, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 73 quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Theo đó, Nghị định này áp dụng đối với cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan, tổ chức hành chính Nhà nước; viên chức quản lý trong các đơn vị sự nghiệp công lập; người giữ chức danh, chức vụ và người đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp theo quy định của Chính phủ và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Nghị định nêu rõ nguyên tắc khuyến khích, bảo vệ cán bộ. Cụ thể, cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung phải được khuyến khích, bảo vệ.

Trong quá trình lấy ý kiến góp ý, xây dựng Nghị định, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã phân tích, tình trạng cán bộ, công chức nhụt chí, né tránh, thiếu trách nhiệm, sợ sai trong thực thi công vụ, không dám đổi mới, không dám sáng tạo để giữ cho mình được “an toàn” đang diễn ra ở nhiều nơi, trong các hoạt động kinh tế - xã hội, đặc biệt là những vấn đề nhạy cảm liên quan đến các vụ án, đại án đã và đang được điều tra, xét xử, thể hiện rõ nhất trên lĩnh vực đầu tư công, quản lý đất đai, bất động sản, mua sắm trang thiết bị khu vực công.

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, tình trạng này làm chậm trễ và trì trệ hoạt động công vụ, bào mòn và làm suy giảm niềm tin của người dân, doanh nghiệp đối với cơ quan Nhà nước...

Trao đổi với Lao Động, PGS.TS Vũ Văn Phúc - Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương - cho rằng, việc xây dựng và hoàn thiện thể chế, tháo gỡ những rào cản, vướng mắc trong quá trình thực thi công vụ là giải pháp quan trọng để loại bỏ tâm lý không dám làm, không dám chịu trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức.

Ông Phúc cho hay, Nghị định quy định về khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung là thể chế hóa, cụ thể hóa Kết luận số 14-KL/TW, ngày 22.9.2021 của Bộ Chính trị khóa XIII về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Nghị định này được ban hành là cơ sở pháp lý quan trọng để thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị.

Tạo động lực phát triển mới

Phân tích các quy định trong nghị định này, PGS.TS Vũ Văn Phúc cho rằng, có nhiều quy định để chữa căn bệnh sợ sai, ngại trách nhiệm của một bộ phận cán bộ. Trong đó, có những hình thức bảo vệ khi cán bộ triển khai ý tưởng đổi mới, sáng tạo và đây cũng thực sự tạo nên động lực để cởi bỏ tâm lý sợ sai, ngại trách nhiệm, không dám làm của một số cán bộ hiện nay.

“Nghị định cũng là cơ sở để đấu tranh với tư tưởng sợ mất lòng, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, không dám đối diện với những khó khăn, vướng mắc, không dám đấu tranh phê phán cái sai, cái xấu” - PGS.TS Vũ Văn Phúc nói.

Cùng trao đổi, TS Cù Văn Trung - chuyên ngành chính trị học - cho hay, về cơ bản, với Nghị định số 73, cán bộ lãnh đạo, quản lý năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm đã có chỗ dựa trên tất cả các bình diện (pháp lý, tinh thần). Hiện nay, những điều khoản được nêu ở Nghị định số 73 thì cán bộ năng động, sáng tạo được tôn trọng, động viên và khích lệ, các quy định về loại trừ, miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm theo quy định của pháp luật dựa được quy định chi tiết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn