MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi - Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre phát biểu. Ảnh: Quốc hội

Trích tiền xử phạt vi phạm sẽ vô tình làm cảnh sát giao thông bị điều tiếng không hay

PHẠM ĐÔNG - CAO NGUYÊN LDO | 22/05/2024 16:33

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Yến Nhi đề nghị, không quy định trích một phần khoản tiền xử phạt vi phạm giao thông vì sẽ vô tình làm cho lực lượng cảnh sát giao thông bị những điều tiếng không hay.

Chiều 22.5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ.

Phát biểu ý kiến, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (Đoàn Bến Tre) cho biết, tại điều 5 của dự thảo luật quy định chính sách của Nhà nước về TTATGT đường bộ.

Theo đó, tại khoản 1 có quy định: “Trích một phần khoản tiền xử phạt vi phạm hành chính về TTATGT đường bộ sau khi nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để phục vụ công tác bảo đảm TTATGT đường bộ, tăng cường cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị, hiện đại hóa lực lượng Cảnh sát giao thông”.

Phiên họp chiều 22.5. Ảnh: Quốc hội

Đại biểu nói, việc đưa quy định này là chưa thật sự hợp lý. Bởi xử phạt vi phạm hành chính trong nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, tất cả phải tuân thủ theo Luật Xử phạt vi phạm hành chính.

"Tại sao lĩnh vực này lại quy định riêng, đưa ra quy định riêng, trích phần trăm tiền xử phạt vi phạm hành chính? Một mặt làm cho không thống nhất với chính sách, quy định chung và các luật có liên quan như Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Ngân sách nhà nước…

Một mặt cũng vô tình làm cho lực lượng cảnh sát giao thông bị những điều tiếng không hay", đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi nêu ý kiến và cho rằng, việc tăng cường cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị, hiện đại hóa cho lực lượng cảnh sát giao thông là cần thiết.

Tuy nhiên, theo đại biểu, với ngành, lĩnh vực khác như môi trường, tài nguyên, quản lý thị trường... cũng xảy ra hành vi vi phạm hành chính. Do đó, đây cũng là các ngành cần được quan tâm chứ không riêng gì lĩnh vực TTATGT đường bộ.

Chính vì vậy, đại biểu đề nghị, không quy định nội dung này trong dự thảo luật, mà vấn đề này thực hiện theo Luật Ngân sách nhà nước.

Còn nếu có khó khăn về trình tự, thủ tục trong thực hiện bố trí ngân sách như trong báo cáo của Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề cập thì cần có biện pháp tháo gỡ cho thỏa đáng để thực hiện thông suốt.

Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, Luật TTATGT đường bộ quy định hoạt động tuần tra, kiểm soát bảo đảm TTATGT đường bộ được giao cho lực lượng cảnh sát giao thông chịu trách nhiệm; còn Luật Đường bộ quy định thanh tra giao thông thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm việc thực hiện quy định về kết cấu hạ tầng đường bộ.

Đối với ý kiến đề nghị bổ sung lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được tham gia tuần tra, kiểm soát trên tuyến giao thông, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, theo quy định của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở thì lực lượng này có nhiệm vụ hỗ trợ công an cấp xã hướng dẫn, phân luồng, giải quyết ùn tắc giao thông khi được huy động và không có nhiệm vụ tham gia phối hợp với cảnh sát giao thông tuần tra, kiểm soát giao thông.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn