MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
ĐBQH A Pớt - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum. Nguồn: Q.H

Triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội XIII của Đảng: Phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của người đứng đầu

Phạm Đông LDO | 07/04/2021 07:00

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã nêu rõ các nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XIII, trong đó nhấn mạnh: “Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống chính trị toàn diện, trong sạch, vững mạnh.” Trao đổi với Báo Lao Động, các đại biểu Quốc hội cho rằng, để góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, giữ trọn niềm tin của nhân dân đối với Đảng thì mỗi cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu, cần phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu, thường xuyên trau dồi phẩm chất, đạo đức cách mạng.

Cán bộ, đảng viên phải tự đặt mình trong kỷ luật của tổ chức

Trao đổi với Báo Lao Động, ông A Pớt - Phó Bí thư Thường trực tỉnh Kon Tum (Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum) cho biết, từ sau Đại hội XIII, đặc biệt là sau Hội nghị trực tuyến toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, các địa phương đang xây dựng kế hoạch để triển khai Nghị quyết, trong đó chú trọng tới việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Theo quy định, từng đảng viên phải xây dựng kế hoạch để nêu gương theo hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương. Việc này cần được mỗi cấp uỷ, mỗi địa phương và từng đảng viên thực hiện nhất quán, thường xuyên thực hiện.

Theo ông A Pớt, trước tiên, mỗi đại biểu, mỗi đảng viên cần chấp hành, thực hiện các quy định của Đảng, trong đó có việc nêu gương. Cần có các kế hoạch để khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra từ đầu năm, từ khi tổng kết. Thông qua đó sẽ lấy được những người khác tham gia góp ý, những gì chưa tốt sẽ được sửa chữa, tránh những việc làm sai, làm không đúng quy định.

Trước tiên, cần xây dựng, hoàn thiện những quy chế, quy định về chuẩn mực và nêu gương đạo đức của đảng viên trong từng cơ quan, đơn vị và trên từng lĩnh vực của đời sống xã hội. Cần phải coi chuẩn mực đạo đức đó trở thành tiêu chuẩn, nét đẹp truyền thống, văn hóa ứng xử trong cơ quan, tổ chức. Các cấp ủy, tổ chức đảng ở mỗi cấp cần kiểm tra, giám sát, làm căn cứ cho tự phê bình, phê bình và xử lý kỷ luật nếu vi phạm.

Để tiếp tục thực hiện thật tốt trách nhiệm nêu gương, ông A Pớt cho rằng, trong công tác và đời sống hằng ngày, mỗi cán bộ, đảng viên cần phải tự đặt mình trong kỷ luật của tổ chức. Phải đi đầu trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chủ động, tự giác nghiêm túc chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nội quy, quy định của cơ quan, đoàn thể.

Khi bồi dưỡng, rèn luyện lý tưởng đạo đức cách mạng của Đảng, cần phải cương quyết bảo vệ cái đúng, thấy sai phải quyết liệt đấu tranh, không tranh công, đổ lỗi, dũng cảm nhận khuyết điểm và trách nhiệm. Do đó, mỗi cán bộ, đảng viên cần nghiêm túc, thường xuyên tự kiểm điểm bản thân, kiên quyết chống những hành vi “nói không đi đôi với làm” hoặc “nói một đằng làm một nẻo”.

Phát huy ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm

Cùng nói về vấn đề này, đại biểu Bùi Văn Xuyền (Đoàn Thái Bình) cho rằng, việc suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên là do chúng ta đang thiếu hoặc chưa quyết tâm thực hiện tốt một phẩm chất, đó là nêu gương. Để xây dựng Đảng luôn trong sạch, vững mạnh, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên cần tự giác, trung thực, tự phê bình thật khách quan, nói phải đi đôi với làm.

Ông Xuyền cho hay, việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng chính là sự kế thừa của các nhiệm kỳ trước nhưng cũng cần bổ sung, phát triển để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Điều này sẽ làm niềm tin của nhân dân đối với Đảng được củng cố, tăng cường hơn. Trước hết, phải giáo dục tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh về “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” cho đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Để làm cho Đảng thực sự vững mạnh, từng cán bộ, đảng viên để tự soi lại mình về những việc làm cụ thể, tự đề ra phương hướng, kế hoạch khắc phục, sửa chữa những biểu hiện thiếu gương mẫu, thiếu tinh thần trách nhiệm.

Cần quan tâm các kênh nắm bắt thông tin, dư luận, phản hồi của cán bộ, đảng viên và nhân dân thông qua nơi làm việc, nơi cư trú của chính người đó. Khi có dư luận không tốt về cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, cần có biện pháp kiểm tra và xử lý kịp thời. Đặc biệt, với các trường hợp chưa nêu gương cần được báo cáo kịp thời với cấp ủy, tổ chức đảng có thẩm quyền.

Ngoài ra, ông Xuyền cho rằng, để lấy cái đẹp dẹp cái xấu thì cần phát hiện những nhân tố mới, những điển hình tiên tiến, từ đó đẩy mạnh biểu dương, tuyên truyền kịp thời. Song song với việc lan toả điều tốt, cái đẹp thì cần phát hiện những tổ chức đảng, những cán bộ, đảng viên thực hiện chưa tốt các quy định về trách nhiệm nêu gương. Để làm tròn bổn phận, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, cán bộ, đảng viên phải là người liêm chính, không tư lợi, cục bộ địa phương, lợi ích nhóm. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta học tập, làm theo.

“Muốn xây dựng Đảng ta là đạo đức, là văn minh thì mỗi cán bộ, đảng viên phải thấy rõ được ưu điểm của mình để phát huy, nhận ra khuyết điểm để sửa chữa; đồng thời phải luôn có sự cầu tiến, học tập lẫn nhau, không được có tư tưởng dễ dãi, bao che, hoặc tranh công, đổ tội, không hứa suông. Mỗi người phải thấy được rằng, việc đứng vào hàng ngũ của Đảng là niềm tự hào, vinh dự thiêng liêng của bản thân cũng như cả gia đình, dòng họ. Do đó, phải nhận thức sâu sắc, đúng đắn và tăng cường củng cố phương thức Đảng lãnh đạo bằng sự nêu gương, gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên” - ông Xuyền cho hay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn