MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hôm nay trình Quốc hội luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 4 luật. Ảnh: Phạm Đông

Trình Quốc hội luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai và 3 luật

PHẠM ĐÔNG LDO | 19/06/2024 06:51

Trong phiên làm việc hôm nay, Chính phủ sẽ trình Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng.

Tiếp tục kỳ họp thứ 7, sáng 19.6, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình về dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Phòng không nhân dân.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Phòng không nhân dân.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 4 luật trên.

Ngày 18.6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có kết luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 4 luật. Để hoàn thiện hồ sơ dự án luật bảo đảm chất lượng trình Quốc hội xem xét, quyết định, đề nghị Chính phủ nghiên cứu tiếp thu đầy đủ ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban khác của Quốc hội, trong đó chú ý một số vấn đề cụ thể sau:

Bổ sung báo cáo tiến độ, lộ trình xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành luật của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương.

Rà soát kỹ lưỡng, hoàn thiện nội dung điều khoản chuyển tiếp của dự thảo luật bảo đảm thống nhất, đồng bộ, khả thi, không để xảy ra khoảng trống pháp lý, không chồng chéo, mâu thuẫn trong nội tại của từng luật, giữa các luật và hệ thống pháp luật.

Nhận diện rõ, đầy đủ rủi ro, thách thức, khó khăn, vướng mắc có thể phát sinh, hệ quả tiêu cực của việc điều chỉnh thời gian hiệu lực và điều khoản chuyển tiếp của các luật, chủ động có các giải pháp xử lý, khắc phục.

Đồng thời không gây vướng mắc, ách tắc, khó khăn cho địa phương, người dân, doanh nghiệp, cản trở sự phát triển; không tạo ra hiệu ứng pháp lý tiêu cực, ảnh hưởng đến quyền lợi của đối tượng chịu tác động, môi trường đầu tư kinh doanh, quyền và lợi ích chính đáng của người dân, doanh nghiệp, tổ chức tín dụng dẫn đến phản ứng xã hội, khiếu nại, khiếu kiện, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ bảo đảm và chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để thi hành các luật từ ngày 1.8.2024 khi luật được Quốc hội thông qua.

Đồng thời chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương ban hành kịp thời các văn bản cần thiết để hướng dẫn, quy định chi tiết việc thi hành các luật bảo đảm chất lượng, tiến độ, không để xảy ra vướng mắc do thiếu văn bản cụ thể hóa.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn