MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày tờ trình. Ảnh: PV

Trình Quốc hội thảo luận chọn 2 trong 4 chuyên đề giám sát tối cao năm 2023

Nhóm PV LDO | 23/05/2022 17:03

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lựa chọn 4 chuyên đề trình Quốc hội xem xét, quyết định chọn 2 chuyên đề để giám sát tối cao, 2 chuyên đề còn lại sẽ giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức giám sát.

Chiều 23.5, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày tờ trình về dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023.

Theo ông Cường, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã không tiến hành giám sát chuyên đề; Ủy ban Thường vụ Quốc hội không tổ chức chất vấn tại các phiên họp. Các nhiệm vụ khác theo chương trình giám sát năm 2021 của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội đều đã được hoàn thành, bảo đảm tiến độ và chất lượng.

Việc xem xét các báo cáo tiếp tục được Quốc hội dành nhiều thời gian để thảo luận, xem xét kỹ lưỡng theo quy định, trong đó quan tâm đánh giá về những kết quả đạt được, hạn chế, tồn tại, nguyên nhân và giải pháp khắc phục để các cơ quan triển khai thực hiện.

Hoạt động giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị cử tri ngày càng được tăng cường, nhiều nguyện vọng chính đáng của cử tri đã được tiếp thu, nghiên cứu xử lý và trả lời thấu đáo.

Đáng chú ý là kể từ phiên họp thứ 2 (tháng 8.2021), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định đưa công tác dân nguyện thành hoạt động thường xuyên, định kỳ xem xét, thảo luận tại phiên họp hằng tháng. Đây là một bước đổi mới quan trọng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhằm tiếp tục gắn bó chặt chẽ, mật thiết với nhân dân.

Về việc xây dựng và triển khai chương trình giám sát năm 2022, ông Cường cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Tổng Thư ký Quốc hội tổng hợp theo 10 nhóm lĩnh vực với 121 vấn đề thuộc trách nhiệm của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.

Đồng thời, căn cứ vào tiêu chí lựa chọn, nội dung đã thực hiện, năng lực thực hiện của các cơ quan, đã tiến hành lựa chọn các chuyên đề giám sát theo quy trình chặt chẽ.

Về dự kiến nội dung chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lựa chọn 4 chuyên đề trình Quốc hội xem xét, quyết định chọn 2 chuyên đề để giám sát tối cao, 2 chuyên đề còn lại sẽ giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức giám sát. Cụ thể như sau:

Chuyên đề 1: Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Chuyên đề 2: Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Chuyên đề 3: Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Chuyên đề 4: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021.

Trong quá trình triển khai xây dựng Chương trình giám sát, có một số nội dung được nhiều cơ quan đề xuất nhưng sau khi cân nhắc nhiều mặt, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định không lựa chọn và đã giải trình cụ thể như trong tờ trình đầy đủ gửi đến các đại biểu Quốc hội.

Tiếp đó, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023.

Đại biểu Hoàng Quốc Khánh (Đoàn Lai Châu) nhất trí với 4 nội dung giám sát đã nêu. Trong đó, ông Khánh đề nghị Quốc hội giám sát chuyên đề 1, chuyên đề 2; Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát các chuyên đề còn lại.

Trong quá trình giám sát, ông Khánh đề xuất các đoàn giám sát chia thành các tổ để làm việc với cơ sở trước khi làm việc với tỉnh. Dành thời gian thỏa đáng cho việc đi kiểm tra thực tế, làm việc với cơ sở, tránh việc tập trung làm việc tại một đơn vị được giám sát.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn