MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Cẩm Hà

Trong 17 năm, có hơn 20.000 tác phẩm tham dự Giải Báo chí Quốc gia

CẨM HÀ LDO | 16/11/2023 10:21

Trải qua 17 mùa giải, Giải báo chí Quốc gia thực sự là nguồn cổ vũ lớn lao đối với người làm báo, ghi nhận, tôn vinh thành quả lao động sáng tạo của những người làm báo nói chung và những người được giải nói riêng trong lĩnh vực hoạt động đặc thù của mình.

Sáng 16.11, tại Hoà Bình, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết 17 năm Giải Báo chí Quốc gia và tổng kết công tác hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao năm 2022; Triển khai chương trình hỗ trợ báo chí chất lượng cao năm 2023, 2024 đối với 25 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc; 20 Liên Chi hội và 100 Chi hội Nhà báo trực thuộc.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh cho biết, trải qua 17 năm tổ chức, Giải Báo chí Quốc gia đã thu hút khoảng hơn 20.000 tác phẩm tham dự trong cả nước gửi về cho thấy sức hút của Giải ngày càng lớn, thu hút được sự quan tâm và tham gia của đông đảo giới báo chí và công chúng.

Các tác phẩm đoạt giải cao là những tác phẩm có sự đầu tư nghiêm túc, công phu, nhiều cách thức thể hiện sáng tạo, sinh động, hấp dẫn bạn đọc, thể hiện rõ năng lực chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo báo chí. Tuy nhiên, trong bối cảnh khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển, công nghệ làm báo ngày càng đổi mới đặt ra những yêu cầu, thách thức mới trong quá trình tổ chức giải.

Vì vậy, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đề nghị các đại biểu, Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố phát huy tinh thần xây dựng, tích cực tham luận và đóng góp ý kiến, tập trung đánh giá kết quả của Giải Báo chí Quốc gia qua 17 năm triển khai, những vấn đề vướng mắc và bất cập hiện nay cùng các giải pháp, kiến nghị nhằm đổi mới chất lượng của Giải; làm rõ phạm vi đề tài được khuyến khích và sự phù hợp với môi trường tác nghiệp, tạo không gian sáng tạo thoải mái cho báo chí, phục vụ tốt công tác tuyên truyền của Đảng bộ, chính quyền địa phương.

Đồng thời, đánh giá về đóng góp của Chương trình đối với việc củng cố chuyên môn, nâng cao nghiệp vụ cho các nhà báo trong quá trình tác nghiệp, tăng cường chất lượng sản phẩm của cơ quan báo chí, phục vụ hiệu quả các kế hoạch công tác của đơn vị và nhiệm vụ chính trị của địa phương; về việc tuyển chọn các tác phẩm báo chí chất lượng cao tham gia Giải Báo chí Quốc gia, giải báo chí tỉnh và các giải báo chí chuyên ngành khác.

Theo PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng - Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam, so với thực tế phát triển mạnh mẽ của báo chí cùng sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, so với yêu cầu cao hơn đối với báo chí trong tình hình mới thì Giải báo chí Quốc gia với tư cách là một động lực thúc đẩy sự phát triển của báo chí nước ta vẫn còn tồn tại những hạn chế.

Ngày nay, chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Ngày 6.4.2023 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Giải báo chí Quốc gia cũng cần bắt kịp xu hướng quan trọng và cấp thiết này.

PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng nêu một số giải pháp:

Thứ nhất, về cơ cấu giải cần có sự mở rộng để đáp ứng thực tiễn đời sống báo chí, từ chỗ có 620 cơ quan báo chí in vào năm 2006, nay con số đó đã tăng lên hơn 800.

Thứ hai, cùng với việc mở rộng cơ cấu giải, số lượng giải cũng cần được tăng lên tương ứng. Mức giải thưởng cần được tăng lên để kịp thời cổ vũ, động viên, tôn vinh lao động sáng tạo của các nhà báo.

Thứ ba, tùy theo nhu cầu thực tế, Hội đồng Giải báo chí Quốc gia có thể xem xét thành lập Ban Thẩm định gồm các gồm các chuyên gia báo chí có uy tín, thẩm định, phản biện kín các tác phẩm vào chung khảo trước khi trình Hội đồng chung khảo nhằm góp phần nâng cao chất lượng và uy tín của Giải.

Thứ tư, Giải báo chí Quốc gia cần cải tiến quy trình, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin hơn nữa trong quá trình tổ chức và phát triển.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn