MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Trong ngôi nhà nhỏ ngõ Thông Phong, Báo Lao Động xuất bản số đầu tiên

Báo Lao Động LDO | 05/08/2022 08:00

Những người đã, đang làm Báo Lao Động không thể nào quên hình ảnh đơn sơ, mộc mạc, nhưng đầy khí chất, nội lực của "Dân tộc anh hùng - Giai cấp tiên phong" hội tụ trong số báo đầu tiên xuất bản ngày 14.8.1929. Đó cũng là một trong những số báo đánh dấu bước ngoặt trong lịch sử phát triển của Báo Lao Động nói riêng và nền báo chí Cách mạng Việt Nam nói chung.

LTS: Trong nền báo chí Cách mạng Việt Nam, Báo Lao Động, tờ báo của giai cấp công nhân và lao động Việt Nam, cơ quan ngôn luận của Tổng Công hội đỏ, nay là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, luôn giữ vị trí quan trọng, là một trong những tờ báo cách mạng sớm nhất nước ta trải dài từ năm 1929 đến nay.

Trải qua các thời kỳ lịch sử, Báo Lao Động đã góp phần vào sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Giai cấp công nhân cũng như dân tộc Việt Nam. Lịch sử hình thành và phát triển của báo là tấm gương phản ánh sinh động, phong phú lịch sử phong trào công nhân và hoạt động công đoàn trong dòng chảy hùng vĩ của cách mạng Việt Nam qua 90 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Ngày nay, Báo Lao Động được đánh giá là một trong những tờ báo chính trị có vị thế và uy tín cao trong nền báo chí cách mạng Việt Nam. Đối với nước ngoài, Báo Lao Động được bình chọn là một trong 200 tờ báo hiện đại trong hàng nghìn loại báo hiện có trên toàn cầu, được mời dự Triển lãm báo chí quốc tế.

Suốt chiều dài lịch sử, Báo Lao Động đã 2 lần vinh dự được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất (1999, 2014); Danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới (2009); Huân chương Lao động hạng Nhất (2012) và nhiều Huân, Huy chương, giải thưởng báo chí quốc gia, quốc tế…

Trang nhất Báo Lao Động số ra đầu tiên ngày 14.8.1929.

Từ ngôi nhà 15 Hàng Nón…

Sau chiến tranh thế giới 1914-1918, lực lượng công nhân ở nước ta tăng lên nhanh chóng. Năm 1929, cả nước có 140.000 công nhân hoạt động trong các mỏ than, thiếc, kẽm, xi măng, sửa chữa tàu…

Giai cấp công nhân phát triển, hình thành nên các tổ chức của giai cấp công nhân và cuộc đấu tranh đòi quyền lợi. Từ năm 1925, nước ta đã có công hội đầu tiên do Tôn Đức Thắng thành lập. Sau đó, công hội tổ chức cuộc bãi công nổi tiếng của công nhân Ba Son – Sài Gòn, làm chậm ngày vận chuyển súng đạn thực dân Pháp chi viện để đàn áp các cuộc nổi dậy của công nhân Quảng Châu (Trung Quốc).

Từ năm 1924 – 1926, Việt Nam thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội do Nguyễn Ái Quốc thành lập và huấn luyện, các hội viên đã len lỏi đi vào các xí nghiệp, hầm mỏ vận động công nhân đấu tranh.

Trong hai năm 1928-1929, liên tiếp các cuộc đình công của công nhân nước đá Sài Gòn, hãng dầu Pháp ở Hải Phòng, nhà máy tơ Nam Định, nhà máy xe lửa Trường Thi… nổ ra. Trên cơ sở đấu tranh đó, các tổ chức cộng sản lần lượt xuất hiện, trong đó có Đông Dương Cộng sản Đảng ở Bắc Kỳ, do Ngô Gia Tự làm Bí thư; Nguyễn Đức Cảnh làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương lâm thời được cử phụ trách công vận (vận động công nhân-PV).

Ngày 28.7.1929, tại ngôi nhà số 15 Hàng Nón, Hà Nội (lúc đó là Hiệu thuốc lào Thuận Mỹ), đã diễn ra hội nghị quan trọng, sau này trở thành sự kiện lịch sử: Hội nghị thành lập Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ, có sự góp mặt của 7 đại biểu, do Nguyễn Đức Cảnh chủ trì. Tại hội nghị, Nguyễn Đức Cảnh được bầu làm Hội trưởng lâm thời và quyết định ra một tờ báo mang tên Báo Lao Động.

…đến số báo đầu tiên xuất bản ở ngõ Thông Phong

Sau hội nghị ngày 28.7, Nguyễn Đức Cảnh bắt tay vào việc chuẩn bị ra Báo Lao Động. Địa điểm làm báo là ngôi nhà nhỏ ở ngõ Thông Phong, đầu phố Hàng Bột (nay là phố Tôn Đức Thắng).

Ngôi nhà quay lưng ra Hồ Giám, một vị trí khá an toàn. Góc hồ có hòn cù lao um tùm cây cối. Bên kia hồ tiếp giáp với khu vườn có lối thông sang cổng lớn của khu Văn Miếu Quốc Tử Giám.

Tường sau của ngôi mỏng, có khoét sẵn một lỗ hổng đủ người chui lọt, được xếp gạch và dán giấy báo để nghi trang, phòng khi có động thì chui ra bờ hồ, ẩn nấp trong hòn cù lao hoặc bơi sang bên kia hồ, lọt vào khu Văn Miếu nương thân hay luồn ra phố tẩu thoát.

Làm báo thời ấy chỉ có hai người là Nguyễn Đức Cảnh và Trần Hồng Vận (tên thật là Trần Văn Sưu, tên sau này là Trần Học Hải).

Trần Hồng Vận kể lại, số 1 Báo lao Động ra ngày 14.8.1929, đúng nửa tháng sau hội nghị thành lập Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ. Nơi làm báo là nhà chị Vinh, có em gái là Hồng, em trai là Hiển. Làm báo thời đó tuy đơn giản nhưng cũng rất lỉnh kỉnh. Nào là giấy mua về cất giấu ở đâu, rồi là khay, đất sét, chỗ phơi phóng, nơi viết bài, nơi trình bày… rất dễ bị lộ. Thời làm báo đó, ngoài Vinh còn một nữ đồng chí xinh đẹp nữa tên là Vân.

“Vân chữ đẹp giúp tôi làm công việc ấn loát, nghĩa là chép bài lên giấy làm bản in trên đất sét... Chúng tôi bảo Vân đi mua giấy kỳ Lân để in cho đẹp, Vân lùng sục khắp nơi nhưng không mua được đành dùng giấy Đáp Cầu.

Tôi chạy mua thạch, định in thạch, nhưng số lượng nhiều, chưa có nhân mối, cũng lại sợ bị lộ, đành dùng đất sét lấy ở ao Ngọc Hà, đem về lắng, lọc cho thật mịn rồi mới đóng thành khuôn in. Định in mỗi lần 40 bản, nhưng chỉ được 25 bản chữ đã bắt đầu mờ. Phải làm khuân chữ nhiều lần như vậy.

Mỗi khuôn chữ chép bằng mực tím đặc, áp lên mặt đất sét để 10 phút, rồi mới bóc, sau đó in từng tờ. In xong, vận chuyển đến chùa Hương Tuyết gần phố Bạch Mai phát hành. Người phát hành là các bà, các chị buôn thúng bán mẹt, chạy hàng trên tàu hỏa. Ngoài ra báo còn được xếp trong những cái thúng hai đáy, đưa về Hải Phòng, Hòn Gai, Nam Định, Thái Bình…

Năm 1929, Báo Lao Động ra được 4 số thì ngừng. Trong đó, 3 số đầu in bằng đất sét, số thứ 4 in bằng máy stăngsin” – ông Trần Hồng Vận kể lại quá trình xuất bản, phát hành những số báo đầu tiên trong chuyến thăm Tòa soạn Báo Lao Động ở 51 Hàng Bồ năm 1983.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn