MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Trần Tuấn Anh, Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Thành Trung

Trưởng ban Kinh tế Trung ương làm việc với Petrolimex

Thiên Bình LDO | 31/03/2023 15:08

Sáng ngày 31.3, tại Hà Nội, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Đánh giá tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết 41-NQ/TW, ngày 23.7.2015 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035” đã có buổi làm việc với Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex).

Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, nước ta đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng. Việc bảo đảm nhu cầu về năng lượng trong đó có dầu khí để duy trì tăng trưởng có ý nghĩa quan trọng. Chính vì vậy, trong những năm qua, Lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã hết sức quan tâm, chỉ đạo phát triển ngành Dầu khí; ngày 23.7.2015, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 41-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035. Trên cơ sở Nghị quyết số 41-NQ/TW, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1748/QĐ-TTg ngày 14.10.2015 phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và định hướng đến năm 2035, trong các văn bản trên đã xác định rõ vai trò quan trọng, chủ đạo của Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam (Petrolimex) trong việc bảo đảm cung ứng ổn định nguồn xăng dầu và các sản phẩm hóa dầu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đời sống nhân dân, tập trung trong 3 lĩnh vực chính, đó là: chế biến dầu khí; tồn trữ, phân phối các sản phẩm dầu khí; và dịch vụ dầu khí - đây là những khâu hết sức quan trọng trong chuỗi giá trị dầu khí. 

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương làm việc với Petrolimex. Ảnh: Thành Trung 

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Phạm Văn Thanh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam cho biết, từ năm 2015, Đảng ủy tập đoàn đã nghiêm túc quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện Nghị quyết trong toàn Tập đoàn, cũng như triển khai chương trình hành động của Đảng ủy Tập đoàn đến các Cấp ủy trực thuộc. Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam hiện là doanh nghiệp có vốn nhà nước chiếm 75%, là đơn vị lớn nhất ở khâu hạ nguồn phân phối xăng dầu, giữ vai trò chủ đạo trong bình ổn thị trường xăng dầu, chiếm thị phần khoảng 45% tổng nhu cầu xăng dầu cả nước. 

Bên cạnh nhiệm vụ chính trị, Petrolimex tập trung thực hiện phát triển doanh nghiệp theo đúng định hướng chỉ đạo của Đảng, Chính phủ về cổ phần hóa. Là doanh nghiệp Nhà nước quy mô lớn đầu tiên thực hiện thành công cổ phần hoá và tái cấu trúc, sau hơn 10 năm cổ phần hóa, Tập đoàn hiện nay đã trở thành công ty cổ phần đại chúng quy mô lớn thuộc Top VN30 niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán TP. HCM với vốn hoá trên 50.000 tỉ đồng và cổ tức lũy kế Nhà nước nhận được cho đến nay đã vượt phần vốn góp Nhà nước tại doanh nghiệp. Trong định hướng chiến lược của mình, Tập đoàn đang hướng tới là Tập đoàn số 1 tại Việt Nam về kinh doanh sản phẩm năng lượng sạch, thân thiện với môi trường vào năm 2030. Giữ vững vị thế là một trong những tập đoàn lớn nhất Việt Nam, đứng đầu về kinh doanh xăng dầu hạ nguồn.

Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được thì trong giai đoạn vừa qua, hiệu quả kinh tế của hoạt động sản xuất kinh doanh chưa cao, lợi nhuận hàng năm chưa đạt được mức mong muốn, thậm chí có năm lợi nhuận kinh doanh xăng dầu âm (do ảnh hưởng của COVID-19), dẫn đến không chủ động nguồn vốn cho đầu tư phát triển kinh doanh. Những tồn tại, hạn chế nêu trên có nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là do còn thiếu văn bản quy phạm pháp luật mang tính đột phá để xử lý căn cơ một số vấn đề tồn tại trong kinh doanh xăng dầu, cơ chế chính sách về thủ tục đầu tư, kinh doanh còn phức tạp, nhất là đối với các dự án có vốn nhà nước dẫn đến mất lợi thế khi huy động nguồn đầu tư nước ngoài, chưa có chính sách để giá cả thực sự được vận hành đầy đủ theo cơ chế thị trường. Vấn đề về dự trữ dầu thô, xăng dầu cũng còn nhiều bất cập. Về quy hoạch hệ thống, quản lý chất lượng xăng dầu và gian lận thương mại, chính sách hỗ trợ ngư dân và thẩm lậu xăng dầu trên biển còn nhiều tồn tại...

Kết luận buổi làm việc, đồng chí Trần Tuấn Anh ghi nhận và đánh giá cao ý kiến phát biểu chia sẻ tâm huyết, thẳng thắn của các đại biểu tham dự cuộc họp; kết quả đạt được của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam trong thời gian qua cũng như đồng tình với nội dung phân tích, kiến nghị và đề xuất của Petrolimex.

Đồng chí Trần Tuấn Anh giao Tổ Biên tập xây dựng Đề án nghiên cứu, phối hợp các bộ, ngành liên quan để chắt lọc, lựa chọn các nội dung phù hợp để đưa vào Đề án cũng như phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết kịp thời để Tập đoàn tiếp tục giữ vai trò chủ đạo trong bảo đảm an ninh năng lượng, bình ổn thị trường xăng dầu, sản phẩm hóa dầu.

Đồng chí bày tỏ đồng tình với kiến nghị của Tập đoàn về định hướng để tạo thuận lợi cho các Tập đoàn thuộc lĩnh vực Dầu khí, trong đó có Petrolimex tham gia trong lĩnh vực nghiên cứu phát triển năng lượng xanh, sạch, tái tạo, thân thiện môi trường và phát triển bền vững. Đề xuất này phù hợp với chủ trương của Đảng nêu tại Nghị quyết 55-NQ/TW ngày 11.2.2020 của Bộ Chính trị về “Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn