MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) - Ảnh: QH

Trưởng Đặc khu sẽ quyết định việc thành, bại của tổ chức chính quyền đặc khu?

Xuân Hải - Đức Thành LDO | 23/11/2017 10:02
Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) đã nói như vậy khi thảo luận tại hội trường Quốc hội về dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt, chiều 22.11.

Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban pháp luật, về tổ chức chính quyền địa phương đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt (đơn vị HCKTĐB), Chính phủ đề xuất và xin ý kiến Quốc hội về hai phương án xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương đơn vị HCKTĐB, cụ thể là:

Phương án 1: Không tổ chức Hội đồng nhân dân (HĐND) và Ủy ban nhân dân (UBND) tại đơn vị HCKTĐB mà thực hiện thiết chế Trưởng Đơn vị HCKTĐB do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, được phân quyền, phân cấp mạnh, có thẩm quyền quyết định và tổ chức thực hiện toàn bộ các hoạt động hành chính, kinh tế - xã hội trên địa bàn đơn vị HCKTĐB. Chính phủ đề xuất lựa chọn phương án này.

Phương án 2: Tổ chức chính quyền địa phương đơn vị HCKTĐB gồm có HĐND và UBND.

Đồng tình với phương án tổ chức mô hình thiết chế Trưởng đơn vị HCKTĐB – Trưởng đặc khu là lựa chọn xác đáng, đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cho rằng phương án này thể hiện tính vượt rào, nhưng vẫn trong khuôn khổ Hiến pháp. Trước băn khoăn về việc nếu trao quá nhiều quyền cho Trưởng đặc khu sẽ dẫn tới việc lạm quyền, ông Học cho rằng, Chính phủ có đầy đủ cơ sở khắc phục sự lạm quyền đó.

Ông Học nhấn mạnh: Dự luật cũng đưa ra cơ chế kiểm soát quyền lực, cơ chế giám sát của cấp trên gồm cấp tỉnh, địa phương; thanh tra kiểm toán khắc phục vi phạm. Quan trọng nhất là khâu tuyển chọn, bổ nhiệm Trưởng đặc khu, sẽ quyết định việc thành, bại của tổ chức chính quyền đặc khu. Việc thành công hay thất bại là do chọn cán bộ. Nếu chọn được người có tâm, tầm thì sự thành công của mô hình này sẽ được khẳng định.

Trước băn khoăn của nhiều ĐB về tình trạng lạm quyền khi giao cho trưởng đặc khu hành chính quá nhiều quyền, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) cho rằng không nên quá lo lắng.

Theo bà Hoa, hiện đã có cơ chế giám sát từ trên xuống dưới, như giám sát của đoàn ĐBQH tỉnh, HĐND tỉnh, giám sát của nhân dân qua tiếp công dân, khiếu nại tố cáo, giám sát của MTTQ, báo chí và chịu sự giám sát Thủ tướng, cơ quan ngang bộ, chủ tịch UBND tỉnh.

Ủng hộ việc xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương đơn vị HCKTĐB theo phương án 1, Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP Hồ Chí Minh), cho rằng điều này không vênh với Hiến pháp và luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Bà Tâm dẫn chứng, TP.HCM đã từng có 10 năm thí điểm không tổ chức HĐND ở quận, phường, đã có thành công. Từ thực tiễn này cho thấy phương án 1 có tính đột phá và hoàn toàn khả thi.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn