MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ trưởng Bộ Y tế báo cáo tại phiên họp. Ảnh: Quang Khánh

Tự chủ bệnh viện công: "Giao tự chủ nhưng không cho tự chủ"

Thùy Linh LDO | 03/10/2019 11:31
Sáng 3.10, tại phiên họp toàn thể lần thứ 15 của Ủy ban Về các vấn đề Xã hội của Quốc hội, Bộ Y tế đã giải trình về thực hiện chính sách, pháp luật về cơ chế tự chủ đối với bệnh viện công lập. 

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: Quá trình tự chủ giúp giảm được ngân sách cấp trực tiếp cho các bệnh viện. Việc thực hiện cơ chế tự chủ, điều chỉnh giá dịch vụ theo lộ trình đưa tiền lương vào giá dịch vụ đã góp phần tăng mức độ tự chủ về tài chính, giảm ngân sách nhà nước cấp trực tiếp cho các bệnh viện. Năm 2018 so với năm 2015 đã giảm được khoảng gần 9.500 tỉ đồng.

Trình bày về những tồn tại, bất cập, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết do thời gian thực hiện chủ trương tự chủ chưa dài, ngoài những kết quả bước đầu thì cần hoàn thiện chính sách, pháp luật để nâng cao hiệu quả.

Một vấn đề đáng lưu ý nữa là sự chênh lệch thu nhập do chưa có chính sách đãi ngộ, thu hút đối với cán bộ y tế, nhất là người có trình độ cao về làm việc tại các bệnh viện, cơ sở y tế vùng khó khăn; đang có tình trạng chuyển dịch lao động từ vùng sâu, vùng xa đến các trung tâm, từ khu vực bệnh viện công sang bệnh viện tư.

Chất vấn tại phiên họp, Đại biểu Quốc hội, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Anh Trí cho biết: "Hiện nay giá dịch vụ y tế chưa thống nhất giữa các đơn vị, tỉnh thành, các bệnh viện, dẫn đến tình trạng nơi thì chưa được thu đủ, nhưng nơi thì thu thêm. Có nơi thì giao tự chủ nhưng không biết tự chủ cái gì, được giao tự chủ nhưng không cho tự chủ, đặc biệt là tự chủ về công tác cán bộ, về tài chính".

"Vậy ai có trách nhiệm tháo gỡ cái này và bao giờ thì tháo gỡ xong? Làm sao chống được tình trạng tư nhân hóa các bệnh viện công?" - ông Trí đặt vấn đề. 

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng hiện nay có hai loại ý kiến. Có ý kiến đại biểu nói rằng cần phải quản chặt hơn, tránh tư nhân hóa bệnh viện công, nhưng cũng có ý kiến nói rằng quản chặt quá thì bệnh viện công "thở" thế nào?

"Ví dụ về vấn đề biên chế, hiện nay có tình trạng Nhà nước quản về biên chế, nên các bệnh viện khi muốn ký hợp đồng tuyển dụng người lao động cũng rất khó. Khi tự chủ, bệnh viện mở thêm dịch vụ, mở thêm phòng bệnh thì cần nhiều nhân lực hơn, nhưng vì đụng đến biên chế nên rất khó" - Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho hay. 

Bộ trưởng cho rằng nút thắt này cần được tháo gỡ, quyền tự chủ của bệnh viện về nhân lực phải kèm theo cơ chế giá dịch vụ hợp lý. Khi giá được tính đúng, tính đủ, đồng thời với trao quyền về tổ chức, về nhân sự thì các bệnh viện sẽ thuận lợi hơn trong thực hiện quyền tự chủ.

Trước câu hỏi tự chủ bệnh viện có ảnh hưởng đến quyền lợi của người nghèo không, Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định: "Chắc chắn sẽ có ảnh hưởng, do các bệnh viện trên chỉ có bệnh nhân nặng mới chuyển lên thôi, và đương nhiên có phòng dịch vụ cho người nước ngoài, cho người giàu. Tuy nhiên, người nghèo nếu có bảo hiểm y tế đúng tuyến, tuyến tỉnh chuyển lên thì vẫn được hưởng quyền lợi. Như vậy, người nghèo vẫn được hưởng. Hiện nay, các bệnh viện tuyến trên vẫn có đến 60% nguồn thu từ bệnh nhân bảo hiểm y tế".

Đơn cử như các bệnh nhân ghép gan ghép tim trong thời gian qua chủ yếu là bệnh nhân nghèo, được bảo hiểm y tế chi trả. Do các bệnh đó, tuyến khác không giải quyết được.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn