MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tự hào người lính “mũ nồi xanh” Việt Nam tham gia sứ mệnh gìn giữ hòa bình

VƯƠNG TRẦN LDO | 25/01/2020 19:05
Trong hoạt động tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình, hình ảnh người lính Quân đội nhân dân Việt Nam được thể hiện rõ nét ở các quốc gia Châu Phi, đặc biệt là Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi trong suốt thời gian qua.

Những giọt nước mắt lau vội, nụ hôn ngọt ngào phút chia tay, lá cờ đỏ sao vàng trong hành trang lên đường… là những hình ảnh xuất hiện khi những người lính “mũ nồi xanh” Việt Nam lên đường làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc.

Đó cũng là những hình ảnh xuất hiện trong ngày vinh quang trở về khi những người lính đến từ đất nước hình chữ S đã tham gia sứ mệnh này tại những môi trường đa phương của sĩ quan nhiều quốc gia tại Cộng hòa Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi.

Nói về những hoạt động của những người lính “mũ nồi xanh” và lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam tại Phái bộ Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi, Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng – Cục Trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam chia sẻ: Trong hoạt động tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình, hình ảnh người lính Quân đội nhân dân Việt Nam được thể hiện rõ nét ở các quốc gia Châu Phi đặc biệt là Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi trong 5 năm vừa qua.

Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng - Cục trưởng Cục Gìn giữ Hòa Bình. Ảnh: Trần Vương

“Hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” được người dân sở tại xem không chỉ như như một người lính của Liên Hợp Quốc mà là biểu tượng của một nền văn hóa Việt Nam, của những người lính Bộ đội Cụ Hồ” – Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng nhấn mạnh.

Vị Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam cho biết, ngày 1.10.2018, Việt Nam đã lần đầu tiên triển khai đội hình đơn vị, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1, tham gia sứ mệnh gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc tại Phái bộ Cộng hòa Nam Sudan.

Các cán bộ, chiến sĩ Bệnh viện dã chiến 2 số 1 đã hoàn thành tốt nhiệm vụ đảm bảo y tế, chăm sóc sức khỏe cho lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc tại địa phương.

Sau 12 tháng làm nhiệm vụ tại Nam Sudan, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 Việt Nam khám, điều trị hơn hai nghìn lượt bệnh nhân. Số lượng này cao hơn rất nhiều so với định mức bình quân của Liên Hợp Quốc đề ra cho các bệnh viện dã chiến cấp 2 là khoảng 200 ca.

Các y bác sĩ Việt Nam đã thực hiện 62 ca phẫu thuật, vận chuyển thành công bằng đường hàng không 7 trường hợp lên bệnh viện tuyến trên. Các bệnh nhân đến khám và điều trị đều đảm bảo về chất lượng điều trị, không xảy ra tai biến tai nạn.

Cán bộ, chiến sĩ Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 lên đường làm nhiệm vụ. Ảnh T.Vương

Bên cạnh đó, các cán bộ, chiến sĩ Bệnh viện 2 số 1 đã chủ động, tích cực tham gia các hoạt động chăm sóc sức khỏe, giao lưu văn hóa, thể thao, giúp đỡ người dân địa phương, góp phần tạo nên hình ảnh tốt đẹp về người lính của Quân đội nhân dân Việt Nam trong con mắt cộng đồng quốc tế.

“Hình ảnh người lính của Quân đội nhân dân Việt Nam một lần nữa sống lại với người dân Cộng hòa Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi trong môi trường đa phương của sĩ quan nhiều quốc gia. Đó là một nét văn hóa, các chiến sĩ là sứ giả của nền văn hóa, của anh Bộ đội Cụ Hồ ở Cộng hòa Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi” – Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng cho biết.

Cán bộ, nhân viên Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 2 sang Nam Sudan làm nhiệm vụ. Ảnh T.Vương

Cũng theo Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình, vừa rồi, các chiến sĩ đi tham gia trên phương diện cá nhân như sĩ quan tham mưu, sĩ quan phân tích tình báo, sĩ quan trang bị, sĩ quan huấn luyện... đều được đánh giá rất cao. Trong tổng số 27 đồng chí đã kết thúc nhiệm kỳ, có 7 đồng chí được Liên Hợp Quốc đánh giá đặc biệt xuất sắc. Tỷ lệ này chỉ chiếm 1 đến 2% trong các tỷ lệ sĩ quan tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình.

Trách nhiệm của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế

“Chúng ta đã có một thời kỳ dài chịu ơn các quốc gia Châu Phi và Mỹ Latinh khi chúng ta tiến hành các cuộc kháng chiến giải phóng đất nước và bảo vệ tổ quốc.

Các dân tộc Phi và Mỹ Latinh đã đóng góp của cải, công sức và thậm chí là đưa cả những chuyên gia hỗ trợ chúng ta.

Tôi ấn tượng với hình ảnh những người dân Tanzania nghèo khổ nhưng năm 1966, Bác Hồ quyết định chúng ta phải có một quan hệ với Tanzania và đặt đại sứ quán của chúng ta ở đó.

Người dân Tanzania đã ủng hộ chúng ta 1,3 triệu đôla và 40 ngàn hộp thịt hộp cùng nhiều việc làm khác.

Nhờ sự ủng hộ của nhân dân nhiều nước Châu Phi, Mỹ Latinh, Việt Nam đã làm nên những thắng lợi vẻ vang trong công cuộc giải phóng dân tộc.

Ngày nay những người lính Bộ đội Cụ Hồ có điều kiện để thể hiện trách nhiệm trước bạn bè quốc tế. Đây là hình tượng rất đẹp và thể hiện được những phẩm giá chính trị, sự có trước có sau của con người Việt Nam trước bạn bè quốc tế”, Thiếu tướng Phụng tâm sự.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn