MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Do tính chất đặc thù, người lao động ngành Dệt may không thể làm đến khi đủ tuổi nghỉ hưu như quy định. Ảnh: hải anh

Tuổi nghỉ hưu và điều kiện hưởng lương hưu: Phải có sự hợp lý cho nghề nặng nhọc, độc hại

Linh Nguyên LDO | 17/06/2020 08:27
Tuổi nghỉ hưu và điều kiện hưởng lương hưu là vấn đề lớn, liên quan đến quá trình công tác của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, nhất là lao động trực tiếp sản xuất trong một số ngành. Vì vậy, có rất nhiều ý kiến đóng góp cho dự thảo Nghị định quy định về tuổi nghỉ hưu và điều kiện hưởng lương hưu.

Nên quy định theo hướng trao “quyền” cho người lao động

Một trong những ý kiến được chú ý là ý kiến của bà Trịnh Thanh Hằng - Uỷ viên Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, Trưởng ban Nữ công Tổng Liên đoàn. Bà Hằng đề nghị bổ sung đối tượng giáo viên mầm non được nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn vì đây là một nghề mang tính đặc thù, đòi hỏi năng lực sư phạm riêng biệt. Đó là: Giáo viên mầm non phải có khả năng múa, hát, đọc, kể chuyện diễn cảm, hiểu tâm lý từng đứa trẻ. Công việc của họ chịu nhiều áp lực do vừa phải đảm bảo chất lượng giáo dục, vừa phải đảm bảo sức khỏe, tinh thần, an toàn cho trẻ (nhiều khi phải phản ứng thật nhanh trong những tình huống trẻ nghịch ngợm, sặc do ăn uống, ngã đập…). Số giờ làm việc thực tế của giáo viên mầm non thường phải vượt quá quy định (thường phải làm từ 9-10h/ngày) do phải đến sớm đón trẻ và về muộn vì phải trả hết trẻ mà hầu như không được tính thêm lương…

Với đặc thù đó, giáo viên mầm non từ 50 tuổi trở lên có cách biệt lớn về tuổi đối với trẻ. Khả năng múa, hát, sức khỏe giảm cũng sẽ khiến cho việc phản ứng xử lý tình huống không được kịp thời, không đảm bảo chất lượng giáo dục và an toàn cho trẻ.

Hơn nữa, mầm non là giai đoạn đặt nền tảng cho cả quá trình phát triển của trẻ sau này. Mà trẻ ở trường cả ngày từ sáng đến chiều chỉ tiếp xúc với giáo viên, trong khi khả năng trẻ tự phục vụ, ứng phó với các tình huống chưa cao thì yêu cầu đối với giáo viên mầm non lại càng cao. Do đó, việc giảm tuổi nghỉ hưu cho giáo viên mầm non không chỉ giúp cho họ có quyền lợi hợp pháp, chính đáng vì đặc thù nghề nghiệp mà còn giúp trẻ hóa đội ngũ giáo viên mầm non, nâng cao chất lượng giáo dục mầm non tương lai của đất nước.

Bên cạnh đó, còn có đề nghị bổ sung một số đối tượng làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật. Ví dụ diễn viên múa, diễn viên xiếc được nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn vì đây là công việc đòi hỏi sự khéo léo, dẻo dai, nhanh nhạy, sức khỏe tốt, ngoại hình đẹp… và với những động tác khó thì chấn thương là điều khó tránh khỏi. Trên thực tế, diễn viên múa có tuổi nghề rất ngắn nên chỉ khoảng 35 tuổi xem như họ đã hết tuổi nghề, chỉ một số người có thể tiếp tục làm biên đạo múa… Chính vì vậy, cần xem xét nghiên cứu để họ có thể được nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn.

Về quy định nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nên quy định theo hướng trao “quyền” cho người lao động (NLĐ). Nghĩa là nếu họ có nguyện vọng tiếp tục làm việc và sức khỏe vẫn đảm bảo, đơn vị có nhu cầu thì có thể tiếp tục làm việc đến tuổi nghỉ hưu như NLĐ trong điều kiện bình thường.

NLĐ nghề nặng nhọc nghỉ hưu ở tuổi nào?

Bà Nguyễn Thị Diệu Hồng - chuyên gia độc lập - cho rằng, nghị định chưa để ý đến những người làm trong doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa cũng như khu vực phi chính thức; khi làm về điều kiện lao động phải chú trọng pháp luật vệ sinh lao động và tuổi nghỉ hưu... cũng như không thể tách điều kiện hưởng lương hưu và tuổi nghỉ hưu. Điều quan trọng nữa là phải làm thế nào để đọc nghị định, NLĐ hiểu được đến khi nào thì họ nghỉ hưu.

Trao đổi về yếu tố an toàn lao động trong tính tuổi nghỉ hưu, Giáo sư, Tiến sĩ Lê Vân Trình - Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật an toàn vệ sinh lao động Việt Nam - phân tích về sức khoẻ của NLĐ Việt Nam, điều kiện làm việc của NLĐ Việt Nam với ảnh hưởng của một số ngành như dệt may, chế biến thuỷ sản, ngành điện tử, giáo viên mầm non.

Ông Trình dẫn ra ví dụ khoảng cách về giới hạn tuổi nghỉ hưu ở một số nước, trong đó có những nước khoảng cách này lên tới 15 năm. Còn ở Việt Nam, giới hạn nghỉ sớm chỉ 5 năm là không hợp lý đối với những ngành, nghề nặng nhọc, độc hại. Trong khu vực lao động trực tiếp, phụ nữ cần được nghỉ hưu sớm hơn nam ít nhất 5 năm.

Ông Trình cũng kiến nghị, những ngành nhóm VI chỉ có nam (đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm như công nhân lò, dàn khoan dầu khí ngoài khơi...) thì tuổi nghỉ hưu là 50 và ở những nhóm IV, V nam là 55 và nữ là 50.

Chiều 16.6, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Ngọ Duy Hiểu chủ trì hội thảo lấy ý kiến đóng góp dự thảo Nghị định quy định về tuổi nghỉ hưu và điều kiện hưởng lương hưu. Tham gia có đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các chuyên gia độc lập và cán bộ một số LĐLĐ địa phương, Công đoàn ngành Trung ương, TCty trực thuộc Tổng Liên đoàn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn