MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khu lưu niệm đồng chí Phùng Chí Kiên tại xã Diễn Yên, huyện Diễn Châu (Nghệ An). Ảnh: Hồ Hà

Tướng Phùng Chí Kiên: Theo Đảng đến hơi thở cuối cùng

Hồ Hà LDO | 07/05/2021 18:03

Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng khẳng định: “Phùng Chí Kiên là một người cộng sản kiên trung, một vị tướng tài ba của quân đội ta. Trọn một đời đi theo Đảng, theo Bác Hồ tham gia cách mạng và kháng chiến”.

Từ tấm gương yêu nước trở thành người cộng sản
Đồng chí Phùng Chí Kiên. Ảnh tư liệu
Xuất thân trong một gia đình thuần nông ở xã Diễn Yên (Diễn Châu-Nghệ An), từ nhỏ Phùng Chí Kiên (tên khai sinh là Nguyễn Vĩ) đã bộc lộ tư chất thông minh, ham học hỏi nên được gia đình cho theo học chữ nho và học Quốc ngữ hết bậc sơ học.

Tròn 14 tuổi, Phùng chí Kiên đã rời quê vào làm công nhân cho nhà máy xe lửa Trường Thi, sau đó về làm cho một thương nhân Hoa kiều ở ga Yên Lý, một ga nhỏ trên tuyến đường sắt xuyên Việt.

Tháng 10.1926, Phùng Chí Kiên bí mật cùng với một số thanh niên yêu nước rời quê hương sang Quảng Châu (Trung Quốc), bắt liên lạc với những người đồng hương như Lê Huy Doãn (tức Lê Hồng Phong), Phạm Thành Tích (tức Hồng Thái) và tham gia lớp huấn luyện chính trị do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tổ chức và được kết nạp vào Hội Việt Nam cách mạng thanh niên.

Theo Đảng đến hơi thở cuối cùng

Phùng Chí Kiên được chọn gửi vào đào tạo tại trường Quân sự Hoàng Phố của Chính phủ Tôn Trung Sơn với tên Mạnh Văn Liễu. Năm 1927, trường Quân sự Hoàng Phố bị đóng cửa, đồng chí cùng với các học viên tham gia cuộc khởi nghĩa Quảng Châu do Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo.

Tháng 12.1930, Phùng Chí Kiên gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương, được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giới thiệu cùng một số người khác sang Mát-xcơ-va theo học tại trường Đại học Phương Đông của Quốc tế Cộng sản ở Mát-xcơ-va. Tuy nhiên, trên đường đi ông đã bị bắt giam.

Tháng 4.1932 ra tù, đồng chí tìm đường trở lại Moscow để học với bí danh Kan, mang số hiệu sinh viên 5690. Sau một thời gian ngắn hoàn thành xuất sắc chương trình học tập, tháng 3.1934, Phùng Chí Kiên trở về hoạt động cách mạng.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất của Đảng họp ở Ma Cao (tháng 3.1935), đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được cử làm Uỷ viên Thường vụ, phụ trách Ban Hải ngoại của Đảng ở nước ngoài và công tác huấn luyện cán bộ của Đảng. Tháng 8.1936, đồng chí được cử về Sài Gòn cùng Hà Huy Tập trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng trong nước.

Đầu năm 1940, Chi bộ Ban Chỉ huy ở nước ngoài được thành lập, Phùng Chí Kiên là một trong số đảng viên đầu tiên của chi bộ này.

Đầu năm 1941, Phùng Chí Kiên cùng một số đồng chí khác tháp tùng lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về Pác Bó, Cao Bằng tham gia huấn luyện, đào tạo cán bộ Việt Minh đầu tiên của cả nước.

Chỉ sau ba tháng, phong trào Việt Minh đã phát triển rộng khắp với hơn 2.000 hội viên.

Tại Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ VIII (tháng 5.1941), đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, phụ trách công tác quân sự của Đảng, Tổng Chỉ huy Khu căn cứ Bắc Sơn – Võ Nhai, Chỉ huy trưởng Trung đội Cứu quốc Quân 1 - một trong những đội quân tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Trung tuần tháng 7.1941, thực dân Pháp đã huy động 4.000 quân, đủ các sắc lính cùng bọn cường hào phản động địa phương, tổ chức 3 mũi tiến công, thi hành chính sách thâm độc “tát nước bắt cá”. Để bảo tồn lực lượng, Ban chỉ huy Cứu quốc quân quyết định chia làm hai cánh rút khỏi căn cứ Bắc Sơn lên Cao Bằng.

Phùng Chí Kiên cùng với Lương Văn Tri chỉ huy một cánh rút khỏi Khuổi Nọi lên Na Rì (Bắc Kạn), sau đó tìm đường rút lên Cao Bằng.

Ngày 21.8.1941, khi cánh quân của ông đến làng Khau Pàn, xã Đức Vân (Ngân Sơn) thì bị địch phục kích, tổn thất nặng nề. Đồng chí Lương Văn Trí bị thương rồi bị địch bắt. Khi bắn hết viên đạn cuối cùng, đồng chí đã sa vào tay giặc. Ngày 22.8.1941, bọn giặc vô nhân tính đã chặt đầu đồng chí rồi đem treo đầu cầu Ngân Sơn để hòng uy hiếp tinh thần cán bộ, nhân dân địa phương.

Phùng Chí Kiên ngã xuống ở tuổi 40, độ tuổi đang tràn đầy sức lực và tài năng sáng tạo cống hiến cho cách mạng. Khí phách nhà cách mạng là tấm gương cho các thế hệ người Việt Nam học tập trên chặng đường đi tới.

Ngày 23.9.1947, tại căn cứ địa Việt Bắc Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đã ký Sắc lệnh số 89/SL truy phong hàm cấp tướng đầu tiên trong lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam cho đồng chí Phùng Chí Kiên.

Do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp nên Nghệ An không tổ chức mít tinh kỷ niệm 120 năm ngày sinh đồng chí Phùng Chí Kiên. Tỉnh ủy Nghệ An đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức “Hội thảo khoa học về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng đồng chí Phùng Chí Kiên vớới quê hương Nghệ An” bằng hình thức trực tuyến. Dịp này, Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An tổ chức hoạt động dâng hoa, dâng hương ở khu lưu niệm đồng chí Phùng Chí Kiên tại xã Diễn Yên.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn