MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đường phố Hà Nội rực rỡ cờ hoa, băng rôn mừng Quốc khánh 2.9. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Tuyên ngôn độc lập 1945: Áng văn lập quốc vĩ đại, khẳng định đanh thép quyền dân tộc

PGS.TS Nguyễn Đình Bắc - Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng LDO | 02/09/2023 09:34

Tuyên ngôn độc lập năm 1945 mãi đi cùng lịch sử dân tộc Việt Nam không chỉ với tư cách là một kiệt tác về tư tưởng, lý luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chứa đựng những tư tưởng triết học, chính trị, pháp luật đặc sắc, mà đó còn là một văn kiện lập quốc vĩ đại, đặt nền tảng pháp lý trực tiếp và đầy sức thuyết phục cho sự ra đời của Nhà nước Việt Nam mới.

Tuyên bố về nền độc lập của nước Việt Nam mới

Cả lý luận và thực tiễn đều chứng minh, một nhà nước nguyên nghĩa chỉ có thể ra đời và tồn tại một cách thực sự trên cơ sở quyền dân tộc độc lập được thiết lập và khẳng định rõ ràng, đầy đủ. Theo đó, Tuyên ngôn độc lập năm 1945 chính là tiền đề vật chất quan trọng đầu tiên bảo đảm cho sự ra đời của Nhà nước Việt Nam mới.

Và thực tế là, trong gần tám thập kỷ qua, nhiều nhà chính khách, nhà lý luận, sử học... trong và ngoài nước đều thống nhất rằng, Tuyên ngôn độc lập năm 1945 trước hết và trên hết là tuyên bố về nền độc lập của nước Việt Nam mới - nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, về quyền tự do, dân chủ cho dân tộc Việt Nam, cho mỗi người dân của nước Việt Nam mới.

Cùng với “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt, “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi, “Tuyên ngôn độc lập” của Hồ Chí Minh năm 1945 chính là bản Tuyên ngôn độc lập thứ ba trong lịch sử dân tộc ta.

Mặt khác, dù cách lý giải có thể khác nhau, nhưng mọi người đều thống nhất với nhau ở sự thừa nhận tính khoa học, độc đáo và đầy sáng tạo trong tầm nhìn chiến lược của nhà chính trị lỗi lạc Hồ Chí Minh khi mở đầu Tuyên ngôn độc lập năm 1945 bằng sự trích dẫn Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ và Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Cách mạng Pháp. Từ quyền cơ bản của con người đã được nâng lên thành quyền cơ bản của các dân tộc, khẳng định đó như một nguyên tắc pháp lý, thiêng liêng bất khả xâm phạm.

Tuyên ngôn độc lập năm 1945 của nước Việt Nam mới vừa khẳng định các quyền dân tộc cơ bản, vừa đồng thời nhấn mạnh rằng, để đi tới các quyền tự do, bình đẳng, quyền mưu sinh cho mỗi cá nhân, trước hết phải giành cho được quyền tự do, độc lập cho dân tộc.

Khẳng định với thế giới cơ sở pháp lý về quyền của dân tộc Việt Nam

Thực tế lịch sử đã chứng minh, với thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám, dân tộc ta, nhân dân ta đã giành được nền độc lập cho dân tộc, quyền tự do, dân chủ cho nhân dân.

Khi phát xít Nhật đầu hàng đồng minh, chớp thời cơ lịch sử đó, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân cả nước nhất tề đứng lên giành chính quyền, “đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập” và “đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ Dân chủ Cộng hòa”.

Trên cơ sở chân lý và chính nghĩa của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, bản Tuyên ngôn độc lập năm 1945 khẳng định với thế giới cơ sở pháp lý về quyền của dân tộc Việt Nam được hưởng “tự do và độc lập” đồng thời cũng vạch ra cơ sở thực tế là Việt Nam “sự thực đã trở thành một nước tự do và độc lập”.

Nếu “các nước Đồng Minh đã công nhận các nguyên tắc dân tộc bình đẳng ở các hội nghị Teheran và Cựu Kim Sơn, quyết không thể không công nhận quyền độc lập của dân tộc Việt Nam” [1].

Bằng những lý lẽ sắc bén, lập luận đanh thép và lời văn hùng hồn, bản Tuyên ngôn đã khẳng định lại một lần nữa quyền của dân tộc Việt Nam phải được sống trong độc lập, tự do như bất kỳ dân tộc nào khác, rằng “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng Minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!” [2].

Lời khẳng định đó đã thể hiện rất rõ quyết tâm của toàn thể dân tộc Việt Nam về quyền dân tộc cơ bản của mình, đồng thời cũng ý thức rất rõ mối hiểm nguy, thách thức đang chờ ở phía trước và vì vậy, sẵn sàng chấp nhận hy sinh, mất mát, để bảo vệ bằng được những thành quả quý giá, lớn lao nhất vừa giành được: Quyền độc lập, tự do, quyền tồn tại của một quốc gia dân tộc. Đúng như trong Tuyên ngôn đã nhấn mạnh: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy” [3].

Tài liệu tham khảo
[1] . Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, Nxb CTQG, H. 2002, tr. 3.
[2] . Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, Nxb CTQG, H. 2002, tr. 4.
[3] . Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, Nxb CTQG, H. 2002, tr. 4.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn