MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chủ trì họp Hội nghị Cộng đồng Chính trị An ninh (APSCC) ASEAN hôm 24.6. Ảnh: Bộ Ngoại giao.

Ưu tiên cao hòa bình, ổn định ở Biển Đông

Thanh Hà LDO | 26/06/2020 11:32

Trước Hội nghị Cấp cao ASEAN 36, các nước nhất trí cho rằng, ASEAN cần duy trì tiếng nói chung đối với các vấn đề khu vực và quốc tế. Về vấn đề Biển Đông, các nước nhất trí hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không trong khu vực cần được coi là ưu tiên cao. 

Vững vàng và ứng phó có bản lĩnh

Trong các cuộc họp ngày 24.6 (Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM) không chính thức, Hội nghị Cộng đồng Chính trị An ninh (APSCC) và Hội đồng Điều phối ASEAN lần thứ 26 (ACC)) dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, các bên đã trao đổi về tình hình khu vực và quốc tế, trong đó nhất trí ASEAN cần vững vàng và ứng phó có bản lĩnh trước các thách thức đặt ra.

Đặc biệt, các nước nhất trí cho rằng, ASEAN cần duy trì tiếng nói chung đối với các vấn đề khu vực và quốc tế. Theo đó, các bộ trưởng đã khẳng định lại quan điểm của ASEAN về các vấn đề, trong đó có tình hình Biển Đông. 

Riêng về Biển Đông, các nước nhất trí, hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không trong khu vực cần được coi là ưu tiên cao, nhất là trong giai đoạn hiện nay khi cộng đồng thế giới đang tập trung các nỗ lực chung tay ứng phó với đại dịch COVID-19. 

Các nước nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kiềm chế không có các hành động làm phức tạp tình hình, đề cao luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982, thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC) và nhanh chóng khôi phục đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982.

Phát biểu tại các cuộc họp, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh đánh giá cao tinh thần đoàn kết, hợp tác của ASEAN, nhấn mạnh đây không chỉ là nhân tố then chốt bảo đảm hòa bình ổn định trong khu vực mà còn là nền tảng giúp ASEAN vượt qua những thách thức của đại dịch COVID-19. 

Phát biểu về tình hình quốc tế và khu vực, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam bày tỏ quan ngại về những diễn biến gần đây trên Biển Đông, khẳng định lập trường nhất quán của ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng. 

Theo đó, các nước cần phát huy tinh thần trách nhiệm, đối thoại và hợp tác vì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông.

Trong quá trình này, cần hết sức đề cao luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, thực hiện tự kiềm chế, tránh các hành động làm phức tạp tình hình, quân sự hóa, thực hiện đầy đủ DOC và xây dựng COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982. 

Hợp tác và cộng tác luôn được ưu tiên

Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi thông tin, đàm phán giữa ASEAN với Trung Quốc về Bộ quy tắc ứng xử của các bên về Biển Đông (COC) vốn bị hoãn bởi đại dịch COVID-19 nên sớm được nối lại để giảm bớt căng thẳng trong khu vực, Kyodo đưa tin. 

"Chúng tôi tin tưởng rằng COC sẽ góp phần tạo ra môi trường thuận lợi ở Biển Đông" - Bộ trưởng Retno Marsudi chia sẻ trong cuộc họp báo sau hội nghị không chính thức Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tổ chức trực tuyến hôm 24.6. 

ASEAN và Trung Quốc lên kế hoạch tổ chức đàm phán COC tại Brunei vào tháng 2, tại Philippines vào tháng 5, tại Indonesia vào tháng 8 và ở Trung Quốc vào tháng 12 năm nay. Tuy nhiên, cho tới nay những hội nghị này bị hoãn bởi ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. 

Ngoại trưởng Retno Marsudi bày tỏ quan ngại về "sự cạnh tranh giữa các nước lớn ở Biển Đông" đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng với ASEAN trong việc "liên tục gửi thông điệp tới tất cả các bên để đóng góp cho hòa bình và ổn định" trong khu vực. "Hợp tác và cộng tác, không phải đối đầu, phải luôn được ưu tiên" - Ngoại trưởng Indonesia nhấn mạnh. 

Ngoài vấn đề Biển Đông, Ngoại trưởng Retno Marsudi cũng nói rằng, các bộ trưởng ASEAN đã thảo luận về việc xin gia nhập ASEAN của Đông Timor cũng như thông qua báo cáo của một phái đoàn đi tìm hiểu thực địa để đánh giá liệu quốc gia non trẻ có sẵn sàng đáp ứng với các thách thức không.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn