MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo. Ảnh: VGP/Minh Khôi

Ưu tiên đầu tư về con người, cơ sở vật chất, chính sách cho ngành dược

PHẠM ĐÔNG LDO | 30/03/2023 05:58

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà lưu ý "phải quan tâm hơn nữa cho lĩnh vực dược lâm sàng, đánh giá hiệu quả sử dụng thuốc trong cơ sở y tế, hướng tới cung ứng thuốc điều trị phù hợp, có giá thành hợp lý cho người bệnh".

Ngành dược chưa tiếp cận, áp dụng công nghệ hiện đại

Tối 29.3, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nghe báo cáo về Dự thảo Chiến lược Quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân (Dự thảo Chiến lược).

Theo Cổng thông tin Chính phủ, báo cáo của Bộ Y tế cho biết, từ năm 2011 đến nay, ngành dược đã bảo đảm cung ứng thuốc có chất lượng với giá hợp lý, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh và phòng bệnh. Sản xuất thuốc mở rộng về quy mô với 228 nhà máy đạt tiêu chuẩn GMP-WHO, trong đó có 18 dây chuyền đạt tiêu chuẩn EU-GMP.

Tổng giá trị thị trường dược phẩm năm 2022 ước khoảng 6,2 tỉ USD. Tỉ lệ thuốc không đạt chất lượng duy trì ở mức dưới 2%.

Tuy nhiên, nhiều nhà máy thuốc trong nước chỉ đầu tư dây chuyền sản xuất các dạng bào chế, tập trung vào những loại thuốc thông thường, thuốc đánh giá tương đương sinh học với thuốc phát minh (thuốc generic); chưa tiếp cận, áp dụng công nghệ hiện đại, kỹ thuật bào chế mới, sản xuất thuốc chuyên khoa, đặc trị, thuốc phát minh (biệt dược gốc). Hơn 90% nguyên liệu sản xuất thuốc trong nước phải nhập khẩu.

Góp ý vào nội dung dự thảo chiến lược, GS.TS Lê Quang Cường - nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị ngành dược cần tập trung nguồn lực nghiên cứu, thử nghiệm, phát triển, sản xuất những loại thuốc chuyên khoa, đặc trị, thuốc hiếm, thuốc phát minh…

Phân tích thêm về thực trạng ngành dược hiện nay, PGS.TS. Trịnh Văn Lẩu - nguyên Viện trưởng Viện kiểm nghiệm thuốc Trung ương, nguyên Chủ tịch Hội đồng dược điển Việt Nam -  kiến nghị phải có sự đột phá về thể chế tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích các doanh nghiệp nghiên cứu, phát triển, tiếp nhận, chuyển giao công nghệ sản xuất các dạng bào chế thuốc hiện đại.

Đồng tình với ý kiến này, GS.TS. Nguyễn Hải Nam - Hiệu trưởng Trường Đại học Dược Hà Nội - cho rằng, để nâng thứ hạng của ngành dược Việt Nam cần phải "đi tắt, đón đầu" trong đầu tư nghiên cứu, thử nghiệm, phát triển các loại thuốc sinh học, thuốc phát minh… nhằm tận dụng tiềm năng về trình độ khoa học, công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao ở trong nước.

Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: VGP

Cần những giải pháp căn cơ cho chìa khoá quan trọng

Ghi nhận, đánh giá cao các ý kiến chuyên gia hết sức sâu sắc, tâm huyết, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ, từ nay đến năm 2025, chiến lược phải xác định những dự án ưu tiên đầu tư về con người, cơ sở vật chất, cơ chế chính sách… cho ngành dược.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh các mục tiêu trong chiến lược phải khả thi, cạnh tranh, hiệu quả, tận dụng được tiềm năng, thế mạnh, không duy ý chí, "tìm được cách tiếp cận trình độ các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới", tham gia vào chuỗi giá trị, cung ứng thuốc của các doanh nghiệp dược hàng đầu thế giới, nâng cao thứ hạng của ngành dược Việt Nam.

Nhấn mạnh vai trò quan trọng của công tác thể chế, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế tích hợp các bộ chỉ số, chuẩn mực quốc tế trong đánh giá chất lượng, chuẩn hóa quá trình sản xuất, bảo quản, phân phối, cung ứng thuốc, "dù khó cũng phải quyết tâm làm".

Bên cạnh đó, Nhà nước phải đóng vai trò dẫn dắt, đồng thời tạo điều kiện, có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp dược trong và ngoài nước tham gia đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư nghiên cứu, thử nghiệm và phát triển, sản xuất các loại thuốc mới, thuốc phát minh. "Đây là một chìa khóa quan trọng, cần những giải pháp căn cơ, cụ thể", Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý "phải quan tâm hơn nữa cho lĩnh vực dược lâm sàng, đánh giá hiệu quả sử dụng thuốc trong cơ sở y tế, hướng tới cung ứng thuốc điều trị phù hợp, có giá thành hợp lý cho người bệnh".

Để phát huy tiềm năng, thế mạnh về dược liệu, nền y học cổ truyền, Phó Thủ tướng gợi mở định hướng phát triển các vùng dược liệu trên cơ sở liên kết, tham gia chuỗi giá trị của các doanh nghiệp dược hàng đầu thế giới, có công nghệ bào chế hiện đại; thúc đẩy thị trường thực phẩm chức năng.

"Cơ quan quản lý, các doanh nghiệp dược trong nước và nước ngoài cần cùng nhau chia sẻ công nghệ, hài hoà lợi ích trong sản xuất, cung ứng, phân phối những loại thuốc chất lượng tốt, giá cả phù hợp, đáp ứng yêu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân", Phó Thủ tướng nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn