MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc từ năm 2014. Ảnh: UN.

Vai trò, vị thế của Việt Nam tại Liên Hợp Quốc ngày càng được nâng cao

Hải Anh LDO | 30/05/2019 19:04

Việt Nam chính thức gia nhập Liên Hợp Quốc ngày 20.9.1977. Kể từ đó, quan hệ Việt Nam với Liên Hợp Quốc ngày càng phát triển. Vị thế và vai trò của Việt Nam tại Liên Hợp Quốc ngày càng được nâng cao.

Kể từ khi gia nhập, Việt Nam đã chủ động và tích cực phối hợp với các nước không liên kết và đang phát triển để đấu tranh, bảo vệ các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp Quốc như nguyên tắc về bình đẳng chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực… đồng thời bảo vệ lợi ích của các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Việt Nam đã tham gia nhiều cơ quan hoạch định chính sách quan trọng của Liên Hợp Quốc. Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ hợp tác đa phương, với Liên Hợp Quốc là trung tâm, nhằm thúc đẩy phát triển bền vững, giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, xây dựng các xã hội bao trùm, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người.

Trên cơ sở những thành công mà Việt Nam đạt được trong công cuộc Đổi mới và thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, Việt Nam cam kết đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt là xóa nghèo, bình đẳng giới, giáo dục chất lượng, dịch vụ chăm sóc sức khỏe và phúc lợi tốt hơn cho tất cả mọi người, tăng trưởng bao trùm và giảm bất bình đẳng.

Thêm vào đó, việc đi đầu trong triển khai sáng kiến “Thống nhất hành động” là đóng góp thực chất của Việt Nam cho các nỗ lực của Liên Hợp Quốc nhằm tái định vị hệ thống phát triển của tổ chức ở cấp độ quốc gia nhằm tăng cường hiệu lực hiệu quả.

Một trong những hoạt động nổi bật nhất của Việt Nam tại Liên Hợp Quốc trong giai đoạn 1997-2011 là việc Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ làm Ủy viên Không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2008-2009.

Đây là lần đầu tiên Việt Nam tham gia vào cơ quan quan trọng nhất của Liên Hợp Quốc về hòa bình, an ninh quốc tế trong bối cảnh  Hội đồng Bảo an phải xử lý khối lượng công việc đồ sộ do xuất hiện nhiều vấn đề an ninh phức tạp, thêm vào đó là những thách thức an ninh toàn cầu mới  và tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu trầm trọng nhất lịch sử thế giới hiện đại.

Trong suốt nhiệm kỳ Ủy viên Không thường trực Hội đồng Bảo an 2008-2009, Việt Nam đã đóng vai trò tích cực và xây dựng tại các cuộc họp, trong tham vấn và xem xét các quyết định trên nhiều vấn đề liên quan tới xung đột tại các khu vực, tái thiết hậu xung đột, khủng bố quốc tế, kiểm điểm các biện pháp trừng phạt, các hoạt động gìn giữ hòa bình và nâng cao tính minh bạch của Hội đồng Bảo an.

Một số đóng góp nổi bật mà Việt Nam đạt được trong nhiệm kỳ này là thông qua nghị quyết 1889 về Phụ nữ, hòa bình và an ninh, với nội dung tập trung về nhu cầu của phụ nữ và trẻ em gái trong hoàn cảnh hậu xung đột và tăng cường sự tham gia của nữ giới trong mọi giai đoạn của tiến trình hòa bình. Việt Nam cũng đưa ra sáng kiến tổ chức tham vấn rộng rãi với các thành viên Liên Hợp Quốc ngoài Hội đồng Bảo an về Báo cáo hàng năm của Hội đồng Bảo an trước Đại hội đồng.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng mong muốn thúc đẩy sự tương tác chặt chẽ hơn của các tổ chức khu vực, trong đó có ASEAN - tổ chức mà Việt Nam là thành viên, với Liên Hợp Quốc. Việt Nam là thành viên của hầu hết các điều ước quốc tế chủ chốt về giải trừ quân bị và không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt đồng thời là nước thứ 10 phê chuẩn Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân.

Từ năm 2014, Việt Nam đã cử sĩ quan tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc tại Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn TTXVN mới đây, đánh giá về những đóng góp của Việt Nam vào nhiều chương trình mục tiêu do Liên Hợp Quốc phát động trong 4 thập kỷ qua, ông Kamal Malhotra - Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cho biết: “Việt Nam là một quốc gia thành viên của Liên Hợp Quốc ủng hộ rất tích cực cho quan hệ đa phương. Mở rộng và đẩy mạnh các quan hệ đa phương cũng chính là mục tiêu cơ bản của Liên Hợp Quốc. Do đó, Liên Hợp Quốc luôn nhìn nhận Việt Nam là một quốc gia không những ủng hộ mạnh mẽ quan hệ đa phương mà còn tuân thủ rất nghiêm túc tất cả luật lệ cũng như các quy tắc của những quan hệ này”. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn