MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Vẫn còn gần 400 trường hợp phải sửa án, hủy án do chủ quan

Đặng Chung - Cao Nguyên LDO | 04/11/2019 11:02

Theo Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình, năm 2019, nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng được dư luận xã hội quan tâm đã được đưa ra xét xử, xử lý đúng người, đúng tội.

Xử lý nghiêm các vụ án kinh tế, tham nhũng

Sáng 4.11, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường để nghe trình bày và thảo luận về: Báo cáo công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2019; Báo cáo công tác năm 2019 của Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tối cao; Báo cáo công tác năm 2019 của Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao; Báo cáo về công tác thi hành án năm 2019 và Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019.

Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày trước Quốc hội về báo cáo công tác năm 2019 của Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao.

Trình bày trước Quốc hội về báo cáo công tác năm 2019 của Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, ông Nguyễn Hòa Bình - Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao - cho biết, trong 1 năm qua, các tòa án đã thụ lý 625.979 vụ việc, giải quyết được 500.361 vụ việc (đạt tỷ lệ 80%).

Tòa án đã thụ lý 87.712 vụ với 146.453 bị cáo liên quan đến các vụ án hình sự; đã giải quyết, xét xử được 77.456 vụ với 126.512 bị cáo, đạt tỉ lệ 88,3%.

Theo Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình, việc xét xử các vụ án hình sự đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Đã phát hiện và xử lý nghiêm các vụ án kinh tế, tham nhũng được dư luận xã hội quan tâm như: Vụ án Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam phạm tội “Tổ chức đánh bạc”, “Đánh bạc”...; vụ án Phan Văn Anh Vũ phạm tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; vụ án Trần Phương Bình phạm tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”...

Thu hồi tài sản của Nhà nước đã bị chiếm đoạt hoặc thiệt hại

Theo Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, các tòa án đã chú trọng quyết định tịch thu tài sản do phạm tội mà có, áp dụng các biện pháp kê biên tài sản, các biện pháp tư pháp, các hình phạt bổ sung và xác định trách nhiệm bồi thường nhằm đảm bảo thu hồi tài sản của Nhà nước đã bị chiếm đoạt hoặc thiệt hại, nhất là đối với các vụ án kinh tế, tham nhũng.

Thẩm tra các báo cáo về công tác của Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao,  Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đánh giá năm 2019, tòa án nhân dân các cấp tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp đổi mới trong hoạt động xét xử và đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong kỳ báo cáo, chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người vô tội. Hình phạt mà tòa án áp dụng cơ bản bảo đảm nghiêm minh, đúng pháp luật.

Tuy nhiên, vẫn còn 107 trường hợp phải hủy án và 275 trường hợp phải sửa án do nguyên nhân chủ quan. Vẫn còn 81 trường hợp cho hưởng án treo không đúng quy định.

Đặc biệt, tỷ lệ bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan chưa giảm và chưa đạt chỉ tiêu theo yêu cầu của Quốc hội.

Từ những hạn chế nêu trên, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đề nghị Tòa án Nhân dân Tối cao đánh giá rõ những nguyên nhân của những hạn chế này và có giải pháp khắc phục, nhất là khắc phục việc một số Thẩm phán còn e ngại, nể nang trong xét xử án hành chính.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn