MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Vi phạm về đất đai: Có nơi sợ mất thành tích nên che giấu vi phạm

Vương Trần LDO | 16/09/2020 17:50

Liên quan tới xử lý vi phạm quy định về quản lý, sử dụng đất đai, Chánh án Nguyễn Hoà Bình cho biết, có nơi còn có biểu hiện sợ mất thành tích, mất cán bộ nên không xử lý, thậm chí che giấu vi phạm.

Có nơi còn có biểu hiện sợ mất cán bộ nên không xử lý

Chiều 16.9, tại phiên họp 48 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình đã có báo cáo việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khoá XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khoá XIII.

Báo cáo tại phiên họp, ông Nguyễn Hoà Bình cho biết, TAND Tối cao đã chỉ đạo Tòa án các cấp khẩn trương quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm các nội dung liên quan tới công tác Tòa án ngay sau khi các Nghị quyết được ban hành.

Về cơ bản, các Tòa án đã hoàn thành nhiều chỉ tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ cơ bản mà các Nghị quyết của Quốc hội đề ra; một số lĩnh vực công tác mặc dù chưa đạt được 100% theo yêu cầu nhưng tiếp tục có nhiều tiến bộ.

Chánh án Nguyễn Hoà Bình chỉ ra một số tồn tại hạn chế trong việc quản lý, sử dụng đất đai. Ảnh QH

Chánh án Nguyễn Hoà Bình cho biết, tính từ ngày 1.6.2019 đến ngày 30.6.2020, các Tòa án đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm đối với 35 vụ với 138 bị cáo; đã xét xử 19 vụ với 67 bị cáo phạm các tội vi phạm các quy định về quản lý và sử dụng đất đai, vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

Các Tòa án đã chủ động, tăng cường phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng nhằm sớm đưa vụ án ra xét xử; trong thời gian qua, không có vụ án nào để quá hạn luật định. Các Tòa án đã áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với người lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt hoặc làm thất thoát số lượng lớn tài sản của Nhà nước.

Tuy vậy, ông Nguyễn Hoà Bình cũng thẳng thắng chỉ ra tồn tại, hạn chế như việc điều tra, truy tố những người phạm tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng đất đai thường khó phát hiện hơn những người phạm tội khác; có nơi còn có biểu hiện sợ mất thành tích, mất cán bộ nên không xử lý, thậm chí che giấu vi phạm...

Áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với người chủ mưu, cầm đầu, người lợi dụng chức vụ, quyền hạn

Đề cập việc thực hiện tốt việc bảo đảm tranh tụng, chống oan, sai trong xét xử, Chánh án TAND Tối cao cho biết, từ ngày 1.10.2015 đến ngày 30.6.2020, các Tòa án đã thụ lý 17 yêu cầu bồi thường thuộc trách nhiệm của Tòa án; đã giải quyết dứt điểm 12 trường hợp.

Các Tòa án cũng đã thụ lý 70 vụ án dân sự mà người bị thiệt hại khởi kiện các cơ quan nhà nước yêu cầu bồi thường; đã giải quyết bằng bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật 54 vụ, còn lại 16 vụ đang xem xét, giải quyết.

Tòa án Nhân dân Tối cao đã hoàn thiện quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ theo thủ tục đơn giản hơn. Tính đến ngày 30.6.2020, Tòa án Nhân dân Tối cao đã ban hành được 37 án lệ.

Công tác xét xử các vụ án hình sự đảm bảo kịp thời, nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp kết án oan người không có tội. Đã đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh nhiều vụ án lớn như: vụ án Đinh La Thăng; vụ án Trịnh Xuân Thanh; vụ án Huỳnh Thị Huyền Như...

“Áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với người chủ mưu, cầm đầu, người lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt hoặc làm thất thoát số lượng lớn tài sản của Nhà nước; đồng thời, chú ý áp dụng các biện pháp kê biên, phong tỏa tài khoản, tài sản của các đối tượng phạm tội nhằm tránh việc tẩu tán tài sản” – ông Nguyễn Hoà Bình cho biết thêm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn