MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
“Tôi cho rằng vẫn nên gọi là học phí, không nên đổi là giá dịch vụ đào tạo làm gì”, ĐB Trương Trọng Nghĩa nêu quan điểm.

Vì sao Bộ GDĐT vẫn “ôm” kỳ thi THPT quốc gia?

Lê Phương LDO | 30/05/2018 16:50

Chiều 30.5, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (GDĐH).

Tán thành việc sửa 2 luật về giáo dục, nhưng nhiều ĐBQH trăn trở, với sự phát triển như vũ bão hiện nay của công nghệ, với cuộc cách mạng 4.0, giáo dục Việt Nam phải đưa công nghệ số vào giáo dục càng nhanh, càng mạnh càng tốt; HS-SV Việt Nam phải được chú trọng rèn luyện, đào tạo về các kỹ năng.

Theo ĐB Nguyễn Việt Dũng (TP.HCM), một trong những kỹ năng quan trọng nhất là phản biện, chỉ khi có kỹ năng, tư duy phản biện thì các em mới tìm ra được cách để giải quyết các vấn đề. Cùng với đó là kỹ năng về khởi nghiệp, kinh doanh. Chính phủ rất chú trọng về chương trình khởi nghiệp quốc gia, nhưng Luật GD sửa đổi không nhắc tới vấn đề này. Ngoài ra, Luật cũng cần nói rõ về vấn đề định hướng nghề nghiệp cho học sinh, đẩy mạnh phân ban ở THPT để các em định hướng rõ hơn về nghề nghiệp, các em chọn môn học phù hợp với nghề nghiệp.

Về mô hình quản lý nhà nước đối với giáo dục, ĐB Nguyễn Việt Dũng nêu câu hỏi: Tại sao Bộ GDĐT vẫn ôm kỳ thi THPT quốc gia, tại sao không giao địa phương, thậm chí giao trường để họ thi và cấp bằng tốt nghiệp. Tất nhiên phải có lộ trình, nhưng cần tiến tới sự tự chủ giáo dục trong đó có việc trường được quyền thi và cấp bằng.

ĐB Huỳnh Thành Đạt, Giám đốc ĐHQG TP.HCM cũng lo ngại tác động của cách mạng 4.0. Dự báo cơ cấu lao động cũng sẽ khác, đòi hỏi GDĐH phải thay đổi cả về phương thức tuyển sinh lẫn phương thức đào tạo. Ví dụ đào tạo trực tuyến, học online sẽ phát triển, đòi hỏi phải có cơ chế, chính sách để quản lý sinh viên, phát huy sự tự giác, tự chủ, trung thực của sinh viên. Giám đốc ĐHQG TPHCM cũng đồng tình phải đề cao, nêu rõ vấn đề khởi nghiệp trong luật GDĐH. Đại học phải là nơi phát triển các ý tưởng khởi nghiệp và sáng tạo. Hiện nay nhiều trường đã đưa vấn đề khởi nghiệp vào giảng dạy, tuy nhiên cần có quy định pháp lý về vấn đề này để thúc đẩy khởi nghiệp. “Phải khích lệ được sinh viên học không phải chỉ để đi xin việc làm mà phải tạo ra việc làm cho xã hội, muốn thế phải có tinh thần khởi nghiệp, sáng tạo”, ĐB Huỳnh Thành Đạt nêu.

Về vấn đề nên gọi phí đào tạo hay giá dịch vụ đào tạo mà dự thảo luật GDĐH đã đề cập và đang gây tranh luận của dư luận, là người trong ngành giáo dục, ĐB Huỳnh Thành Đạt thừa nhận vẫn chưa có sự thống nhất giữa ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra.

“Vẫn gọi tên là học phí thôi, nhưng bản chất là giá, vì phải tính toán đầy đủ các chi phí đào tạo. Vấn đề quan trọng là làm sao giá dịch vụ đào tạo phải bảo đảm cho các trường hoạt động, ngày càng nâng cao chất lượng đào tạo cũng như sinh viên khó khăn được hưởng chính sách hỗ trợ”, ĐB Huỳnh Thành Đạt nói.

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) cũng cho rằng, vừa rồi dư luận rối về phí và giá. “Tôi cho rằng vẫn nên gọi là học phí, không nên đổi là giá dịch vụ đào tạo làm gì”, ĐB Trương Trọng Nghĩa nêu quan điểm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn