MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại biểu Quốc hội Đỗ Chí Nghĩa (đoàn Phú Yên).

Vì sao các cơ quan, đơn vị không chịu di dời, trả lại trụ sở cho nhà nước?

Nhóm PV LDO | 31/10/2022 18:14
Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa đặt câu hỏi tại sao việc di chuyển các trường đại học ra khỏi nội đô còn khó khăn; lý do gì mà việc các cơ quan, ban, ngành di dời và trả lại trụ sở đất "vàng" vẫn khó khăn.

Chuyển trường đại học ra khỏi nội đô gặp nhiều khó khăn

Chiều 31.10, Quốc hội tiếp tục phiên họp toàn thể tại Hội trường, thảo luận về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (đoàn Phú Yên) nêu rõ, qua các con số báo cáo của Đoàn giám sát cho thấy, dư địa phát triển của đất nước còn rất lớn, nếu thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thì sự phát triển và nguồn lực cho đất nước còn rất lớn và dồi dào. Nhưng qua đó cũng nói lên rằng, tại sao trong một giai đoạn rất dài vẫn khó khăn trong việc khắc phục tình trạng lãng phí như vậy.

Đề xuất giải pháp khắc phục tình trạng trên, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa cho rằng cần rà soát, khắc phục, bãi bỏ các quy định đã lạc hậu, không đồng bộ.

Trước hết là các quy định về định mức, kinh tế, kỹ thuật. Nhiều định mức đã lạc hậu và kéo dài hàng chục năm, thậm chí hơn chục năm, do đó nếu thực hiện đúng như vậy sẽ rất khó khăn. Những định mức như vậy sẽ kéo lùi sự phát triển, đại biểu nhấn mạnh phải chi đúng, chi đủ, chi hiệu quả để phát huy sự sáng tạo trong lao động của cán bộ.

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa đặt câu hỏi tại sao việc di chuyển các trường đại học ra khỏi nội đô còn khó khăn; lý do gì mà các cơ quan, ban, ngành không di dời và trả lại trụ sở đất "vàng" cho nhà nước.

Ông nêu một số lý giải việc chậm trễ này là “nào là tính lịch sử, cái gì cũng cần thời gian, có đơn vị im lặng là vàng, việc giữ đất là việc của cả làng chứ không riêng mình ai”.

Đại biểu cho rằng, tất cả cứ trôi đi với thời gian và sự lãng phí nghiễm nhiên hiển hiện ở những khu phố có sự phát triển về kinh tế - xã hội, thương mại rất lớn…

Đại biểu cũng nêu quan điểm rằng: "Từ nay đến cuối năm 2022, liệu có ai dám cam kết việc đào đường ở các đô thị lớn, hay việc thay lát lại đá vỉa hè sẽ không diễn ra nữa... Bởi yêu cầu về giải ngân cuối năm phải tiêu hết vốn, không tiêu hết vốn thì sang năm có thể bị cắt. Và như thế thì tiêu hết vốn, tiêu quyết liệt, tiêu sống còn chính là bảo đảm tương lai cho đơn vị của mình, tiêu như đổ ra sông, ra bể dù đấy là tiền dân, tiền nước".

Nhiều lô đất vàng vẫn còn bất cập trong quản lý, sử dụng

Cùng phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Hồ Thị Minh (đoàn Quảng Trị) đánh giá báo cáo đã khái quát được tất cả nội dung về chống lãng phí ở khu vực công; chỉ ra được những ưu điểm, nhược điểm về vấn đề này.

Đại biểu đặt vấn đề, trong thời gian tới, chúng ta có quyết liệt triển khai các biện pháp phù hợp để tháo gỡ các vướng mắc trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hay không?

Đại biểu Hồ Thị Minh - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị

Đối với vấn đề đất đai, đại biểu chỉ ra rằng, ở rất nhiều địa phương chứ không chỉ riêng địa phương nào còn rất nhiều dự án không đáp ứng yêu cầu; hàng loạt các lô đất vàng vẫn đang còn có những bất cập trong quản lý và sử dụng. Vậy tới đây sửa đổi Luật Đất đai có khắc phục được tình trạng này không?

Các bộ, ngành có phối hợp để phân tích thấu đáo và giải quyết dứt điểm những tồn tại, hạn chế trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ở lĩnh vực quản lý đất đai hay không?

Với việc đầu tư xây dựng, sử dụng quản lý các trụ sở cơ quan nhà nước, đại biểu cho rằng, có một số công trình tuy vẫn sử dụng tốt nhưng cơ quan, địa phương vẫn bỏ hoang hoặc đập bỏ để xây mới, hoặc có những trường hợp không cộng tác trong việc chuyển giao cho chính quyền địa phương.

Đại biểu đề nghị Chính phủ, bộ, ngành cần rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để nhìn nhận rõ những bất cập, chồng chéo. Qua đó sửa đổi để đảm bảo việc sử dụng hợp lý trụ sở, chuyển giao theo đúng quy định phải thực hiện thường xuyên, liên tục, chứ không phải chỉ làm tốt sau những kỳ giám sát.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn