MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hiện trường vụ sạt lở vùi lấp 22 cán bộ, chiến sỹ ở Đoàn kinh tế Quốc phòng 337 ở Quảng Trị ngày 18.10. Ảnh CTV

Vì sao phải kích hoạt cảnh báo rủi ro thiên tai cấp độ 4?

Linh Anh LDO | 18/10/2020 19:53

Ngày 18.10, Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cho biết việc kích hoạt cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất lên cấp 4, mức cảnh báo gần cao nhất là để huy động sự vào cuộc của tất cả các bộ, ngành, địa phương và người dân. Vậy cấp độ rủi ro thiên tai tại Việt Nam được quy định thế nào?

Các cấp độ rủi ro thiên tai hiện nay

Theo Quyết định 44/2014 của Thủ tướng quy định chi tiết về cấp độ rủi ro thiên tai thì: “Cấp độ rủi ro thiên tai là sự phân định mức độ thiệt hại do thiên tai áp thấp nhiệt đới, bão, lốc, sét, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất và sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, nước dâng, xâm nhập mặn, nắng nóng, hạn hán, rét hại, mưa đá, sương muối, động đất, sóng thần và các loại thiên tai khác có thể gây ra về người, tài sản, môi trường, điều kiện sống và hoạt động kinh tế - xã hội; Cấp độ rủi ro thiên tai được xác định cho từng loại thiên tai và công bố cùng nội dung bản tin dự báo, cảnh báo về thiên tai, làm cơ sở cho việc phân công, phân cấp trách nhiệm và phối hợp trong ứng phó với thiên tai”.

Cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn có 3 cấp, cao nhất là cấp độ 3 gồm các trường hợp sau:

- Lượng mưa trong 24 giờ từ trên 200 mm đến 500 mm, kéo dài từ trên 2 ngày đến 4 ngày ở khu vực đồng bằng, trung du, miền núi.

- Lượng mưa trong 24 giờ trên 500 mm, kéo dài từ 1 ngày đến 2 ngày ở khu vực trung du, miền núi.

Cấp độ rủi ro thiên tai do lũ, ngập lụt có 5 cấp, cấp độ 4 gồm các trường hợp sau:

- Mực nước lũ cao từ trên báo động 3 khoảng 01 m đến mức lũ lịch sử ở hạ lưu sông Hồng - Thái Bình;

- Mực nước lũ cao từ trên báo động 3 khoảng 0,5 m đến trên mức lũ lịch sử ở đồng bằng sông Cửu Long;

- Mực nước lũ cao trên mức lũ lịch sử ở hạ lưu nhiều sông vừa; sông Mã, sông Cả, sông Đồng Nai, sông Vu Gia - Thu Bồn, sông Ba; các nhánh lớn sông Hồng - Thái Bình.

Rủi ro thiên tai cấp độ 5 khi xảy ra lũ với mực nước cao trên mức lũ lịch sử ở hạ lưu sông Hồng - Thái Bình.

Cấp độ rủi ro thiên tai do lũ, ngập lụt khi có tác động tổ hợp với các thiên tai khác:

- Cấp độ rủi ro thiên tai do lũ, ngập lụt được xem xét xác định tăng lên một cấp, đến cấp cao nhất là cấp 5, khi có tổ hợp tác động của áp thấp nhiệt đới, bão có cấp độ rủi ro thiên tai thấp hơn cấp độ rủi ro của lũ, ngập lụt;

- Cấp độ rủi ro thiên tai do lũ, ngập lụt được xem xét xác định tăng lên hai cấp, đến cấp cao nhất là cấp 5, khi có tổ hợp tác động của áp thấp nhiệt đới, bão và sự cố vỡ đập hồ chứa nước ở thượng nguồn.

Đối với lũ quét, cấp độ 4 trong các trường hợp: tổ hợp tác động của nhiều thiên tai nguy hiểm khác như mưa rất to kéo dài, sạt lở đất trên diện rộng ở khu vực xảy ra lũ quét.

Đối với sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy chỉ có hai cấp. Cấp cao nhất là cấp 2.

Mới đây, Bộ TNMT đã dự thảo văn bản sửa đổi quyết định 44/2014, theo đó Rủi ro thiên tai do mưa lớn có 4 cấp (cấp 1 đến cấp 4) nhiều hơn 1 cấp so với Quyết định số 44/2014/QĐ-TTg. Cường độ mưa lớn: bổ sung thêm ngưỡng lượng mưa trong 12 giờ; giảm lượng mưa từ 500 mm trong 24 giờ xuống 400 mm trong 24 giờ.

Dự kiến thay đổi cấp độ rủi ro do mưa lớn (tăng 1 cấp so với quy định trước đây).

So với Quyết định số 44/2014/QĐ-TTg, dự thảo đã nhóm các loại thiên tai do lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy (sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy quy định ở quy định này xảy ra trên khư vực sườn dốc, sườn núi, không phải sụt lún đất ở khu vực bờ sông, bờ biển) vào một nhóm để xác định cấp độ rủi ro thiên tai.

Vì lũ quét và sạt lở đất trên sườn núi, sườn dốc có nguyên nhân kích hoạt giống nhau, phạm vi khu vực xảy ra cũng tương đồng; thiên tai lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất đất thường xảy ra đồng thời, rất khó có thể phân tách khi có tác động của mưa lớn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn