MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Việc điều hành, quản lý nhiều nơi còn thiếu kiên quyết, tùy tiện

XUÂN HẢI thực hiện LDO | 06/10/2017 10:10

Đó là ý kiến của nguyên Ủy viên Trung ương Đảng - nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão (ảnh) khi trao đổi với phóng viên Báo Lao Động về nguyên nhân dẫn đến bộ máy nhà nước cồng kềnh hiện nay. Vấn đề này sẽ được Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, thảo luận cho ý kiến về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Ông Vũ Mão cho biết:

 

- Bộ máy cồng kềnh là do trong lãnh đạo, điều hành, quản lý của chúng ta ở nhiều nơi không kiên quyết, thậm chí tùy tiện. Tôi ví dụ, ở các cơ quan trung ương hay có tình trạng phong “hàm vụ trưởng”, “hàm vụ phó”, “hàm trưởng phòng”. Đây là việc làm để chiều lòng nhau. Do đó, trước thực trạng bộ máy nhà nước đang cồng kềnh hiện nay thì việc nghiên cứu, sắp xếp lại bộ máy cho gọn nhẹ hơn, tinh giản biên chế đi là điều rất cần thiết.

Việc Quảng Ninh đang áp dụng đề án đổi mới thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế, nhất thể hóa chức danh của một số cơ quan Đảng có nhiệm vụ tương đồng với cơ quan của chính quyền, tôi nghĩ rằng đó là việc làm mạnh dạn và đổi mới. Tôi rất hoan nghênh và khích lệ việc làm thí điểm này. Rõ ràng chúng ta cần sáp nhập một số phòng, ban của Đảng và chính quyền có các chức năng tương đối giống nhau để tinh giản biên chế, sắp xếp bộ máy gọn lại. Ví dụ như Ủy ban Kiểm tra của Huyện ủy kiêm luôn Thanh tra huyện rất là cần thiết. Hay như Tổ chức với Nội vụ... Điều này vừa thu gọn lại đầu mối phòng ban, tinh giản biên chế mà hiệu quả lại cao hơn.

Việc Quảng Ninh đang thí điểm nhất thể hóa các chức danh của một số phòng ban của Đảng với chính quyền theo tôi đây là một trong những ý tưởng, sáng kiến tốt, một trong những hướng đi để chúng ta nghiên cứu, hoàn chỉnh sáp nhập phòng, ban để tinh gọn bộ máy nhà nước. Và phải nghiên cứu kỹ về vấn đề này để thực hiện nhất thể hóa từ Trung ương tới địa phương. Vấn đề này, chúng ta phải tổng kết lại những cái đã có ở tầm cơ sở, tầm vi mô để chúng ta nghiên cứu ở tầm vĩ mô để làm sao thành một hệ thống chính trị, thành một sự đồng bộ từ trên xuống dưới.

Liên quan đến việc nhằm tinh gọn bộ máy, biên chế, có ý kiến cho rằng nên sáp nhập Ban Đối ngoại Trung ương với Bộ Ngoại giao và nên xóa bỏ 3 ban gồm Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

- Tôi nghĩ cái đó cần phải nghiên cứu. Tôi nghĩ xu hướng bỏ 3 Ban Chỉ đạo trên đi là hợp lý. Vì chúng ta đã có cả hệ thống Đảng và chính quyền từ Trung ương đến địa phương, thêm vào đó vai trò của 3 ban này chỉ là trung gian nên việc giữ 3 Ban Chỉ đạo hiện giờ sẽ là không cần thiết nữa.

Một vấn đề nữa tôi cho là cần phải nghiên cứu, đó là hiện nay chúng ta đang duy trì 2 Đảng ủy khối gồm Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương và Đảng ủy Khối các doanh nghiệp Trung ương, theo tôi giờ không cần thiết duy trì hai cơ quan này nữa. Lĩnh vực của hai cơ quan này nên đưa về Ban Tổ chức Trung ương phụ trách. Vì chức năng cuối cùng vẫn là vấn đề nhân sự, con người, củng cố Đảng. Việc này thuộc chức năng nhiệm vụ của Ban Tổ chức Trung ương rồi.

Vấn đề tinh giản biên chế đã được thực hiện thời gian qua, nhưng vấn đề khiến dư luận cho rằng, việc tinh giản biên chế vẫn ở diện hô hào, thậm chí bộ máy vẫn phình ra. Vậy theo ông, đâu là nguyên nhân?

- Tôi cho rằng đó là do trong lãnh đạo, điều hành, quản lý của chúng ta không kiên quyết, thậm chí tùy tiện. Tôi ví dụ, ở các cơ quan trung ương hay có tình trạng phong “hàm vụ trưởng”, “hàm vụ phó”, “hàm trưởng phòng”. Trước đây làm gì có chuyện phong hàm như vậy. Đây là việc làm để chiều lòng nhau.

Thời kỳ giữ cương vị Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội tôi đã kiên quyết không đồng tình việc phong “hàm vụ trưởng”. Bên cạnh đó, việc sáp nhập Bộ vừa qua cũng có nhiều chỗ chưa hợp lý. Việc sáp nhập chưa nghiên cứu kỹ và chưa nghiên cứu sâu chức năng nhiệm vụ cho nên lúc đầu nhập lại không có tổng cục. Nhưng sau vài năm sau lại mở ra rất nhiều Tổng cục. Bộ NNPTNT bây giờ thêm Tổng cục Thủy lợi và Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ Công Thương mới thành lập Tổng cục Quản lý thị trường.

Vậy theo ông, cần có những giải pháp như thế nào để giải quyết tình trạng này?

- Theo tôi, vấn đề này Trung ương phải bàn bạc kỹ để thống nhất và đưa ra những quyết sách tốt nhất để cả nước thực hiện. Bên cạnh đó, về phía Quốc hội, Chính phủ cần phải phải hoàn thiện các văn bản pháp luật về vấn đề này.

Ví dụ như bổ sung quy định vào Luật Tổ chức Chính phủ để nêu rõ bộ nào có tổng cục, bộ nào không được phép thành lập để tránh việc báo cáo thành tích là thu gọn được bớt đầu mối vụ, cục nhưng làm phình ra dưới dạng tổng cục, vì thành lập tổng cục lại phát sinh nhiều vụ, cục rồi thêm biên chế. Như vậy việc thu gọn bộ máy, tinh giản biên chế vẫn chỉ hô hào suông. Bên cạnh đó, luật phải quy định rõ không được phong “hàm vụ trưởng”, “hàm vụ phó” nữa.

Xin cảm ơn ông!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn