MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại biểu Lương Văn Hùng - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi phát biểu. Ảnh: Văn phòng Quốc hội

Việc quy định nhiệm kỳ của thẩm phán không phù hợp với thực tiễn

PHẠM ĐÔNG - NGÔ CƯỜNG LDO | 22/11/2023 18:10

Đại biểu Lương Văn Hùng cho rằng, thẩm phán là một chức danh nghề nghiệp, chuyên môn, giống như bác sĩ, sĩ quan, không giống như chức danh lãnh đạo, nên việc quy định nhiệm kỳ là không phù hợp với thực tiễn, thông lệ quốc tế.

Nghiên cứu quy định nhiệm kỳ của thẩm phán hợp lý

Chiều 22.11, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi).

Tham gia ý kiến, đại biểu Lương Văn Hùng (Đoàn ĐBQH Quảng Ngãi) cho biết, Điều 100 của dự thảo Luật có quy định, thẩm phán được bổ nhiệm lần đầu có nhiệm kỳ là 5 năm. Thẩm phán được bổ nhiệm lại có nhiệm kỳ đến khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác.

"Thẩm phán là một chức danh nghề nghiệp, chuyên môn, giống như bác sĩ, sĩ quan, không giống như chức danh lãnh đạo, nên việc quy định nhiệm kỳ là không phù hợp với thực tiễn, thông lệ quốc tế", đại biểu nói.

Đại biểu cũng cho biết, việc sửa đổi quy định về nhiệm kỳ thẩm phán góp phần giảm bớt thủ tục xem xét, bổ nhiệm lại thẩm phán, khắc phục tình trạng án tồn đọng khi thiếu thẩm phán do một số thẩm phán hết nhiệm kỳ không được tham gia xét xử, quy trình tái bổ nhiệm kéo dài, gây lãng phí nguồn lực của tòa án.

Trường hợp thẩm phán có vi phạm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, thẩm phán có thể bị bãi miễn. Hiện nay, quy định ràng buộc trách nhiệm của thẩm phán đã tương đối đầy đủ, chặt chẽ. Pháp luật cũng đã đặt ra cơ sở để xử lý, kỷ luật, xử lý hình sự, bãi nhiệm thẩm phán nếu có vi phạm.

Từ những lý do này, đại biểu cho rằng, quy định nhiệm kỳ của thẩm phán theo dự thảo Luật đã thể hiện sự cẩn trọng của cơ quan soạn thảo, vừa đảm bảo tính rèn luyện, ý thức trau đồi phẩm chất, năng lực của thẩm phán, đảm bảo tính độc lập trong xét xử để thẩm phán yên tâm công tác.

Đại biểu Trần Thị Thu Hằng - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông. Ảnh: Văn phòng Quốc hội

Tuy nhiên, đại biểu Trần Thị Thu Hằng (Đoàn ĐBQH Đắk Nông) cho rằng, quy định về nhiệm kỳ của thẩm phán là chưa phù hợp do các cơ chế về miễn nhiệm, bãi nhiệm thẩm phán chưa thật sự chặt chẽ, rõ ràng.

Do vậy, mỗi khi tiến hành bổ nhiệm lại theo quy định hiện nay (5 năm, 10 năm) là một lần có thể đánh giá kỹ càng các thẩm phán trong một quá trình thực hiện nhiệm vụ (xem xét lại toàn bộ quá trình giải quyết chuyên môn, tỉ lệ hủy, sửa…) và có phương án xem xét, bố trí sắp xếp phù hợp nếu không đủ điều kiện làm thẩm phán.

Việc này cũng gây hạn chế với những thẩm phán có tư tưởng an phận làm việc cầm chừng khi được giữ ngạch thẩm phán trọn đời đến lúc nghỉ hưu.

Nhiều trường hợp người tham gia phiên tòa chống đối sự điều khiển của chủ tọa

Đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung (Đoàn ĐBQH Hải Dương) cho rằng, trụ sở các tòa án thường là nơi tập trung đông người, đặc biệt khi có phiên tòa.

Người tham gia phiên tòa thường là những người nhà của bị cáo, bị hại, nguyên đơn, bị đơn trong các vụ án, khi đến phiên tòa dễ có tâm lý căng thẳng với nhau.

Đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung phát biểu. Ảnh: Văn phòng Quốc hội

Đại biểu phản ánh, có nhiều trường hợp đã xảy ra xô xát tại phiên tòa, thậm chí người tham gia phiên tòa chống đối sự điều khiển của chủ tọa phiên tòa, hoặc tấn công người tiến hành tố tụng tại phiên tòa, làm ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm hoạt động bình thường của tòa án và trật tự pháp luật chung.

Theo quy định pháp luật hiện hành, chỉ trụ sở TAND Tối cao mới có lực lượng cảnh sát bảo vệ. Trụ sở của các tòa án là nơi quản lý, lưu giữ các tài liệu giải quyết vụ án, đây đều là những tài liệu liên quan đến việc quyết định sinh mạng, tự do, quyền, nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong vụ việc, vì vậy, trụ sở các tòa án cần được bảo vệ một cách chặt chẽ hơn nữa.

Nhiều trường hợp, các đối tượng, phần tử tiêu cực chống đối nhà nước Việt Nam đã lợi dụng việc nhà nước xét xử công khai để lôi kéo, dụ dỗ, kích động người dân, người thân của bị can, bị cáo gây rối, làm mất trật tự tại phiên tòa; thậm chí kích động gây nên khiếu nại, khiếu kiện đông người, gây rối tại trụ sở tòa án.

Do đó, đại biểu cho rằng cần có cơ chế hữu hiệu để bảo đảm an ninh, trật tự tại tòa án, đảm bảo an toàn cho các hoạt động của tòa án.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn