MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Viện trưởng Viện KSND Tối cao Lê Minh Trí tại buổi lễ kỷ niệm. Ảnh: V.Dũng.

Viện KSND Tối cao: Tăng cường chống oan sai, chống bỏ lọt tội phạm

Việt Dũng LDO | 24/07/2020 11:13

Ngành Kiểm sát Nhân dân (KSND) vừa hoạt động kiểm sát, vừa điều tra các vụ án tham nhũng thuộc diện chỉ đạo Ban chỉ đạo Trung ương, đưa ra truy tố, xét xử như vụ án Trịnh Xuân Thanh, Đinh La Thăng, AVG...

Ngày 24.7, Viện KSND kỷ niệm 60 năm thành lập ngành KSND (26.7.1960-26.7.2020).

Trong bài phát biểu, Viện trưởng Viện KSND Tối cao Lê Minh Trí đã điểm lại quá trình 60 năm thành lập, hoạt động ngành.

Trong 60 năm thành lập, ngành Kiểm sát nhân dân (KSND) luôn lấy phương châm “Đoàn kết, đổi mới - Trách nhiệm, kỷ cương - Thực chất, hiệu quả” là kim chỉ nam trong thực thi nhiệm vụ.

Trong đó, giai đoạn từ năm 2016 đến nay, ngành đã tích cực đổi mới phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo; xác định phương châm “Đoàn kết, đổi mới - Trách nhiệm, kỷ cương - Thực chất, hiệu quả” là kim chỉ nam trong thực thi nhiệm vụ.

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong toàn ngành, kiện toàn 63 đơn vị Thanh tra ở VKSND cấp tỉnh; tăng cường thanh tra đột xuất, yêu cầu tự thanh tra, nhằm phát hiện kịp thời để uốn nắn, ngăn chặn với phương châm “xây là chính”.

Tăng cường chống oan sai, chống bỏ lọt tội phạm; quán triệt quan điểm không hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế, tạo điều kiện cho các chủ thể vi phạm khắc phục hậu quả, nếu khắc phục tốt sẽ kiến nghị cấp thẩm quyền xem xét có chính sách hình sự hoặc không xử lý hình sự; nhưng đồng thời kiên quyết không xử lý hành chính hoặc bỏ qua các hành vi phạm tội, nhất là hành vi tham nhũng, gây thất thoát nghiêm trọng tài sản nhà nước.

Trong nhiệm kỳ này đã thể hiện rõ nét vai trò, trách nhiệm, bản lĩnh của ngành KSND trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, qua việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử nhiều vụ án tham nhũng, chức vụ đặc biệt lớn với hậu quả thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng;

Đối tượng bị khởi tố từng giữ những chức vụ cao trong Đảng và trong bộ máy Nhà nước như vụ án Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh, AVG, Phan Văn Anh Vũ; được Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng đánh giá cao, được nhân dân đồng tình, ủng hộ, tin tưởng.

Nổi bật trong điều tra tội phạm tham nhũng vừa qua là đã chứng minh được yếu tố vụ lợi, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng lớn, đồng thời xác định công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng là mục tiêu, yêu cầu quan trọng nhất trong giải quyết, xử lý án tham nhũng.

Ngành kiểm sát đã chủ động phối hợp với Cơ quan điều tra thực hiện các biện pháp thu giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản của bị can và người liên quan ngay từ giai đoạn khởi tố, điều tra trực tiếp ban hành lệnh kê biên tài sản trong giai đoạn truy tố theo thẩm quyền hoặc kiến nghị Hội đồng xét xử thu hồi tài sản cho Nhà nước.

Công tác điều tra của Cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao đối với các hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp và tham nhũng trong lĩnh vực tư pháp được tăng cường theo hướng hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả.

Trải qua 60 năm, Ngành KSND trưởng thành về mọi mặt, đạt được những thành tựu, có những cống hiến và đóng góp to lớn cho cách mạng Việt Nam; được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý như Huân chương Hồ Chí Minh (năm 1985, 1990, 2020); Huân chương Sao vàng (năm 2010); Huân chương Độc lập Hạng Nhất (năm 2015); Danh hiệu Anh hùng lao động; huân chương, cờ và bằng khen của Thủ tướng Chính phủ…

Viện trưởng Lê Minh Trí cũng nêu ra 4 nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới của ngành. Trong đó, nâng cao công tác cán bộ là khâu quan trọng nhất ngành chú trọng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn