MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper (trái) và Tổng Giám đốc USAID Samantha Power gặp gỡ báo chí tại Hà Nội, ngày 10.3.2023. Ảnh: Ngọc Vân

Việt - Mỹ: Từ quan hệ viện trợ thành đối tác thương mại

Ngọc Vân LDO | 13/03/2023 06:19

Tổng Giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) Samantha Power trong chuyến thăm Việt Nam kéo dài cả tuần trước đã bày tỏ ấn tượng về sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam và nhấn mạnh rằng, Việt Nam và Mỹ từ quan hệ viện trợ đã trở thành đối tác thương mại của nhau. 

Tăng cường hơn nữa quan hệ Việt - Mỹ

"Năm 2023, Việt Nam và Mỹ sẽ kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện và chúng tôi tin rằng hai nước có thể tăng cường hơn nữa mối quan hệ lên Đối tác chiến lược. Chuyến đi này của tôi góp phần minh chứng cho sự phát triển trong mối quan hệ giữa hai quốc gia" - bà Samantha Power chia sẻ với báo giới.

Theo bà Power, mối quan hệ Việt - Mỹ phát triển tốt đẹp như ngày hôm nay là nhờ nỗ lực không mệt mỏi của cả hai bên để đối diện với quá khứ, hàn gắn những vết thương do chiến tranh để lại và hướng tới tương lai. Việt Nam giúp Mỹ tìm kiếm hài cốt quân nhân mất tích trong chiến tranh, Mỹ hỗ trợ Việt Nam xử lý và giải quyết các vật liệu chưa nổ, xử lý sạch dioxin ở nhiều vùng đất tại Việt Nam.

Trong chuyến thăm lần này (từ ngày 6-11.3), bà Power công bố một hợp đồng mới trị giá 73 triệu USD để xử lý và làm sạch đất tại sân bay Biên Hòa. Tổng Giám đốc USAID cũng đến thăm các bác sĩ và bệnh nhân ở Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, chứng kiến những nỗ lực giữa hai bên để hỗ trợ cho người dân Việt Nam và người khuyết tật Việt Nam. Chương trình hỗ trợ người khuyết tật của USAID tại Việt Nam được coi là chương trình có quy mô lớn nhất và được thực hiện lâu nhất trên thế giới, bắt đầu từ những ngày đầu tiên khi Quỹ nạn nhân chiến tranh Leahy được thành lập năm 1989 và đến nay đã cung cấp hơn 140 triệu USD hỗ trợ người khuyết tật tại Việt Nam.  

Bà Power nhấn mạnh, mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam đến nay đã phát triển thành mối quan hệ đối tác sâu rộng trên nhiều lĩnh vực, trong đó có biến đổi khí hậu, nâng cao hiệu quả của giáo dục, phát triển y tế và thúc đẩy phát triển kinh tế. Trong chuyến thăm Việt Nam, Tổng Giám đốc USAID tới thăm Đại học Cần Thơ và Đại học Fulbright tại Thành phố Hồ Chí Minh - hai trường đại học có nhiều quan hệ hợp tác với USAID - để nghe và chia sẻ các mối quan tâm về biến đổi khí hậu. Chính phủ Việt Nam đưa ra cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050 và bà Power khẳng định, Mỹ luôn sát cánh cùng Việt Nam để có thể đạt được mục tiêu đó.

Trong cuộc gặp với các nhà lãnh đạo và quan chức Việt Nam, Tổng Giám đốc USAID khuyến khích Chính phủ Việt Nam tăng cường hơn nữa nỗ lực phát triển kinh tế bao trùm và tháo gỡ những rào cản đối với đầu tư từ khu vực tư nhân. Khi xây dựng được những chiến lược hiệu quả sẽ giúp Việt Nam liên tục phát triển thịnh vượng, theo hướng xanh hơn và trong quá trình đó Mỹ luôn sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam.

Ưu tiên của USAID tại Việt Nam

Chia sẻ về những ưu tiên hợp tác của USAID tại Việt Nam trong thời gian tới, bà Samantha Power nhấn mạnh, có rất nhiều lĩnh vực USAID đã phối hợp cùng với đối tác tại Việt Nam, không phải là trong những lĩnh vực riêng lẻ mà luôn có mối quan hệ đan xen. Bà Power lấy ví dụ, hiện tượng nóng lên toàn cầu sẽ gây ra những thách thức về mặt y tế công cộng trên toàn thế giới, và đó là lĩnh vực USAID sẽ cần phải làm việc với Bộ Y tế để đảm bảo rằng Việt Nam được chuẩn bị sẵn sàng cho tương lai, khi nhiệt độ của trái đất ngày càng tăng lên.

Tổng Giám đốc USAID bày tỏ mong muốn Mỹ có thể hỗ trợ các quốc gia trong việc làm giảm sự phụ thuộc vào tài trợ hai bên, từ đó trở thành mối quan hệ thương mại và đối tác. "Việt Nam hoàn toàn có thể làm được điều này. Quỹ đạo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vô cùng ấn tượng, tỉ lệ nghèo đã giảm đáng kể. Tôi hoàn toàn tin tưởng Việt Nam và Mỹ có thể chuyển từ mối quan hệ viện trợ giữa hai bên để trở thành đối tác thương mại" - bà Power nói.

Tổng Giám đốc USAID đồng thời chia sẻ "thích được triển khai các dự án và chương trình tại Việt Nam". "Chúng tôi cảm nhận được trách nhiệm của bản thân mình khi làm việc tại Việt Nam để có thể tiếp tục giải quyết những vấn đề còn tồn tại sau chiến tranh. Chúng tôi cảm thấy gắn bó với Việt Nam thông qua những chương trình trao đổi về giáo dục, du lịch, tìm hiểu lịch sử… Ngay với những chương trình về khí hậu, chúng tôi cũng cảm thấy trách nhiệm của bản thân mình, bởi chính Mỹ là một trong những quốc gia hàng đầu phát thải khí nhà kính, làm ảnh hưởng đến cộng đồng trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam" - bà Power bày tỏ với báo giới.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn