MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 40, 41 tại Phnom Penh, Campuchia chiều 12.11.2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Thủ tướng Australia Anthony Albanese (phải, giữa). Ảnh: TTXVN

Việt Nam-Australia xây đắp quan hệ ngày càng toàn diện, bình đẳng

Theo TTXVN LDO | 26/02/2023 08:08

Đại sứ Việt Nam tại Australia cho biết trong nửa thế kỷ tới, Việt Nam - Australia sẽ xây đắp quan hệ ngày càng toàn diện, bình đẳng, tin cậy và xây dựng, củng cố tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước.

Ngày 26.2.2023, Việt Nam và Australia kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (26.2.1973 - 26.2.2023).

Nhân dịp này, Đại sứ Việt Nam tại Australia Nguyễn Tất Thành đã có cuộc trao đổi về ý nghĩa sự kiện cũng như những thành tựu đã đạt được và triển vọng hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới.

Đại sứ Nguyễn Tất Thành cho biết, Việt Nam và Australia đã xây dựng quan hệ Đối tác toàn diện (năm 2009), Đối tác toàn diện tăng cường (năm 2015), hiện nay là Đối tác chiến lược (từ năm 2018).

Như cựu Toàn quyền Peter Cosgove chia sẻ “Australia tự hào có một người bạn là Việt Nam", Bộ trưởng Ngoại giao Penny Wong khẳng định “Australia mong là một đối tác tốt hơn của Việt Nam".

Những năm gần đây, không ít nước phương Tây cắt giảm, song Australia vẫn giữ ODA, tài khóa 2022-2023 còn tăng 18%.

Về thương mại, hai nước trao cho nhau quy chế tối huệ quốc ngay từ năm 1974. Nhiều năm liên tục Australia là đối tác thương mại trong top 10 của Việt Nam, năm 2022 vươn lên thứ 7.

Về giáo dục, học bổng được bắt đầu trao cho sinh viên Việt Nam từ tháng 2.1975. Đại học nước ngoài đầu tiên lập cơ sở tại Việt Nam là trường RMIT của Australia (năm 2000). Hai năm qua, Australia dành 26,4 triệu liều vaccine hỗ trợ Việt Nam phòng chống dịch COVID-19.

Những thành quả tốt đẹp trên xuất phát từ thiện chí và quyết tâm chính trị của lãnh đạo cấp cao hai nước. Nền móng của quan hệ tốt đẹp này là sự hiểu biết ngày càng sâu sắc giữa nhân dân hai nước. Australia từ chỗ liên kết toàn diện với Anh, Mỹ nhiều thập kỷ, chuyển chính sách hướng sang châu Á và khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Australia gắn bó ngày càng chặt chẽ với các nước Nam Thái Bình Dương và Đông Nam Á mà bạn đều coi là láng giềng. Trong khi đó, từ chỗ “muốn là bạn," rồi “sẵn sàng” kết bạn, nay Việt Nam đã “là bạn, là đối tác tin cậy” của Australia.

Đại sứ Việt Nam tại Australia Nguyễn Tất Thành. Ảnh: TTXVN

Về trọng tâm hợp tác trong năm 2023 cũng như những năm tiếp theo, Đại sứ Nguyễn Tất Thành cho biết, năm nay, Việt Nam và Australia kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao và 5 năm quan hệ Đối tác chiến lược. Đây là thời điểm ý nghĩa để hai bên nhìn lại lịch sử, từ đó hướng tới một tầm nhìn chung cho 50 năm tới.

Việt Nam và Australia là hai nước láng giềng tại Tây Thái Bình Dương, chia sẻ lợi ích chiến lược về hòa bình, hợp tác và phát triển tại khu vực. Hai nền kinh tế có tính bổ sung cao, nhất là về tài nguyên thiên nhiên, nguồn nhân lực, khả năng công nghệ và tài chính.

Australia có kinh tế tri thức phát triển và nền giáo dục hàng đầu thế giới. Thu nhập bình quân đầu người của Australia đứng thứ hai trong Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20).

Đặc biệt, Australia không chỉ coi trọng, lắng nghe mà còn rất thiện cảm với Việt Nam. Australia cũng đã trở thành đối tác chiến lược toàn diện của ASEAN, với Việt Nam từng đồng hành trong các cơ chế hợp tác đa phương khu vực và toàn cầu như Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Liên Hợp Quốc. Đây chính là những thuận lợi mà hai bên cần tranh thủ và phát huy trong những năm tới.

Có thể nói, hai nước có "thiên thời, địa lợi, nhân hòa" để cùng chung sức vun đắp cho một mối quan hệ gắn kết hơn trên tất cả các lĩnh vực vì lợi ích của nhân dân hai nước, đồng thời cũng vì lợi ích chung của khu vực và thế giới.

Dấu mốc 50 năm sẽ được ghi nhận với nhiều hoạt động trao đổi đoàn và giao lưu, kỷ niệm ở cả hai nước. Trên cơ sở rà soát Chương trình Hành động triển khai quan hệ đối tác chiến lược giai đoạn 2020-2023, hai bên đang phối hợp xây dựng văn kiện thay thế. Ba trụ cột hợp tác xác định trong kế hoạch này, gồm kinh tế - thương mại, an ninh - quốc phòng và đổi mới - sáng tạo khả năng sẽ được tiếp tục vì còn nhiều dư địa.

Bên cạnh đó, hai bên đang cân nhắc một số trụ cột mới cho quan hệ toàn diện trong những năm tới. Các lĩnh vực đang nổi lên như biến đổi khí hậu, kinh tế xanh, năng lượng sạch, kinh tế tri thức, chuyển đổi số… được kỳ vọng sẽ là những điểm nổi bật trong văn kiện mới này.

Đại sứ Nguyễn Tất Thành cho biết, trong chuyến thăm Australia cuối tháng 11 đầu tháng 12.2022, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã cùng Thủ tướng Australia Anthony Albanese công bố ý định nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện vào thời điểm phù hợp.

"Tôi tin rằng các điều kiện “cần” và “đủ” đều đã cơ bản được đáp ứng, do đó hai bên hoàn toàn có thể tính đến khả năng nâng cấp quan hệ vào một ngày không xa, nếu đúng dịp kỷ niệm 50 năm sẽ có ý nghĩa thiết thực để hai nước cùng xây dựng tầm nhìn cho 50 năm tới" - Đại sứ Nguyễn Tất Thành nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn