MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đoàn Việt Nam tham dự một phiên họp của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc. Ảnh: TTXVN

Việt Nam bảo đảm quyền con người trong bối cảnh phục hồi sau đại dịch

Khánh Minh LDO | 04/07/2023 16:20

Việt Nam khẳng định vai trò quan trọng của bảo đảm việc làm, tạo thu nhập trong các nỗ lực xoá nghèo; các nước cần bảo đảm quyền làm việc với người dân, nhất là trong bối cảnh phục hồi sau đại dịch.

TTXVN đưa tin, từ ngày 30.6 đến 3.7, trong khuôn khổ Khoá họp thường kỳ lần thứ 53 được tổ chức tại Geneva (Thụy Sĩ), Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc đã tổ chức các phiên thảo luận thường niên về quyền phụ nữ, biến đổi khí hậu, và phiên thảo luận với Báo cáo viên Đặc biệt về vấn đề nghèo cùng cực.

Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ, Trưởng đoàn Việt Nam tham dự khóa họp, đã có các bài phát biểu quan trọng mở đầu các cuộc họp trên.

Phát biểu mở đầu phiên thảo luận thường niên về quyền phụ nữ và an sinh xã hội, Trợ lý Bộ trưởng Nguyễn Minh Vũ khẳng định quyền an sinh xã hội và nguyên tắc không phân biệt đối xử đã được khẳng định trong Hiến pháp và pháp luật Việt Nam.

Phụ nữ Việt Nam, thông qua các tổ chức hội của mình đã đóng góp xây dựng và triển khai các chính sách phát triển và an sinh xã hội với nhiều kết quả nổi bật trên bình diện quốc tế và khu vực.

Việt Nam khẳng định trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái, và tăng cường vai trò của các tổ chức của phụ nữ ở các cấp là định hướng quan trọng để bảo đảm an sinh xã hội cho phụ nữ trong thời gian tới.

Tại phiên thảo luận thường niên về biến đổi khí hậu và quyền lương thực, Trưởng đoàn Việt Nam giới thiệu nỗ lực của Việt Nam vượt qua các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, đại dịch COVID-19 và các vấn đề toàn cầu khác để bảo đảm an ninh lương thực cho người dân, và trở thành quốc gia sản xuất và cung cấp thực phẩm minh bạch - trách nhiệm - bền vững, như đã cam kết tại Hội nghị thượng đỉnh của Liên Hợp Quốc về Hệ thống lương thực thực phẩm năm 2021.

Mở đầu phần đối thoại Hội đồng Nhân quyền với Báo cáo viên Đặc biệt về vấn đề nghèo cùng cực, Trưởng đoàn Việt Nam khẳng định vai trò quan trọng của bảo đảm việc làm, tạo thu nhập trong các nỗ lực xoá nghèo; các quốc gia cần bảo đảm quyền làm việc với người dân, nhất là trong bối cảnh phục hồi sau đại dịch.

Trợ lý Bộ trưởng Nguyễn Minh Vũ cũng chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam với những thành tựu đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận; trong đó có cách tiếp cận của Việt Nam là xoá nghèo đa chiều để đảm bảo các thành tựu về xoá nghèo được bền vững, ngăn chặn nguy cơ tái nghèo; và tạo điều kiện để khu vực tư, các cộng đồng, các đối tác phát triển và các bên liên quan đồng hành cùng Nhà nước huy động nguồn lực lớn hơn, tạo được nhiều cơ hội việc làm bền vững hơn cho người dân.

Bên lề khoá họp, ngày 3.7, Phái đoàn Việt Nam tại Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế tại Geneva đã phối hợp với các phái đoàn Mỹ và Argentina đồng tổ chức Tọa đàm quốc tế về chống phân biệt đối xử, bạo lực và quấy rối trên cơ sở giới tại nơi làm việc.

Trợ lý Bộ trưởng Nguyễn Minh Vũ khẳng định, dù còn đang trong quá trình nghiên cứu khả năng gia nhập Công ước số 190 năm 2019 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về vấn đề này, Việt Nam mong muốn thúc đẩy đối thoại giữa các nước và các tổ chức quốc tế và các bên liên quan để chia sẻ kinh nghiệm và nhu cầu hợp tác quốc tế để giải quyết một vấn đề đang được cộng đồng quốc tế, kể cả các chính phủ, các doanh nghiệp và người lao động trên toàn thế giới rất quan tâm.

Nhân dịp chuyến công tác, Trợ lý Bộ trưởng Nguyễn Minh Vũ đã có các cuộc gặp với lãnh đạo một số tổ chức quốc tế tại Geneva. Tại cuộc gặp Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc, ông Volker Turk, Trợ lý Bộ trưởng Nguyễn Minh Vũ đã đề nghị Cao ủy tiếp tục quan tâm, phối hợp thúc đẩy các quan tâm chung, cũng là ưu tiên của Việt Nam trong nhiệm kỳ thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc 2023-2025.

Cao uỷ Nhân quyền đánh giá cao các đóng góp của Việt Nam với tư cách thành viên Hội đồng Nhân quyền, đặc biệt là việc làm tác giả nghị quyết về kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn Nhân quyền Thế giới và 30 năm Tuyên bố và Chương trình Hành động Vienna được Hội đồng Nhân quyền thông qua bằng đồng thuận với 121 nước đồng bảo trợ vào tháng 4 vừa qua.

Trợ lý Bộ trưởng Nguyễn Minh Vũ cũng đã có các cuộc gặp với Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus; Phó Tổng giám đốc Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) Ugochi Daniels; Phó Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR) Gillian Triggs.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn